Theo dữ liệu của CoinMarketCap đêm 13/12 (giờ Việt Nam), giá Bitcoin đã tăng vọt 4,5% so với 24 giờ trước đó lên 17.784 USD/đồng, mức cao nhất trong vòng một tháng.
Giá trị vốn hóa của Bitcoin đạt 342 tỷ USD, còn khối lượng giao dịch tăng gần 32% lên 25,78 tỷ USD.
Các đồng tiền mã hóa khác cũng đồng loạt tăng giá. Giá Ether tăng 6,02% lên 1.326 USD/đồng. Đây cũng là đồng tiền tăng giá mạnh nhất trong nhóm 10 đồng tiền có vốn hóa lớn nhất.
Giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa tăng 3,38% lên 872 tỷ USD. Gần 30 tỷ USD đã được rót vào thị trường trong 24 giờ qua.
Nương theo đà tăng của chứng khoán
Giá Bitcoin nương theo đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ. Đầu phiên giao dịch ngày 13/12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 523,5 điểm, tương đương 1,54% lên 34.528 điểm.
Chỉ số S&P 500 tăng 1,48%, xuyên thủng ngưỡng 4.000 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ tăng tới 3,25%. Trong vài năm qua, thay vì hoạt động như một dạng "vàng kỹ thuật số", Bitcoin được coi là tài sản rủi ro và thường biến động cùng chiều chứng khoán, nhất là chỉ số Nasdaq.
Các tài sản rủi ro hưởng lợi nhờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ. Theo báo cáo được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 13/12, CPI tháng 11 tăng 0,1% so với một tháng trước đó và 7,1% so với một năm trước đó, thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế được khảo sát bởi Dow Jones.
Đây là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 11/2021. Giá năng lượng lao dốc giúp lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt. Chỉ số giá của nhóm năng lượng giảm 1,6% so với tháng 10 nhờ giá xăng lao dốc 2%.
Bức tranh lạm phát có thể quyết định động thái lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Việc lạm phát hạ nhiệt sẽ cho phép ngân hàng trung ương Mỹ giảm tốc độ tăng lãi suất.
Kể từ đầu năm đến nay, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 3,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Trong cuộc họp chính sách tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11, Fed đều tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.
Trong vòng một năm qua, các đợt tăng lãi suất của Fed đã đè nặng lên thị trường tiền mã hóa. Gần 2.000 tỷ USD bốc hơi khỏi vốn hóa thị trường kể từ mức đỉnh hồi tháng 11 năm ngoái.
Triển vọng vẫn mờ mịt
Nói với Zing, ông Craig Erlam - chuyên gia tài chính có trụ sở ở London - cho rằng triển vọng của thị trường tiền mã hóa chỉ có thể cải thiện khi chứng khoán Mỹ đi lên. Tuy nhiên, dù đã bật tăng, giá Bitcoin vẫn chưa thể trở lại mức trước khi sàn giao dịch FTX phá sản.
Hôm 11/11, FTX chính thức đệ đơn phá sản lên tòa án Mỹ sau khi cạn kiệt thanh khoản, CEO Sam Bankman-Fried - người từng được coi là "người hùng tiền mã hóa" - từ chức ngay sau đó. Đến ngày 12/12, chính quyền Bahamas bắt giữ Bankman-Fried sau khi nhận được xác nhận chính thức về các cáo buộc chống lại ông này.
Cùng ngày, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã đưa ra các cáo buộc riêng đối với ông Bankman-Fried về tội danh vi phạm luật chứng khoán.
Vụ việc đã hủy hoại niềm tin của nhà đầu tư vào tiền mã hóa. Tháng 11, các nhà đầu tư đã rút hơn 91.000 Bitcoin từ những sàn giao dịch tập trung như Binance, Kraken và Coinbase. Bê bối của FTX bị cảnh báo có thể dẫn tới hàng loạt vụ sụp đổ khác trong ngành.
Nói với CNBC, nhà đầu tư kỳ cựu Mark Mobius cho rằng giá Bitcoin có thể rơi xuống 10.000 USD/đồng vào năm tới, tức giảm hơn 40% từ mức hiện tại. Trước đó, ông đã dự đoán chính xác việc giá Bitcoin giảm xuống dưới ngưỡng 20.000 USD/đồng trong năm nay.