Ghi nhận của Báo Công Thương tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, thị trường giá cả thực phẩm khá ổn định. Giá gà trống (lông) phổ biến ở mức 150.000 đồng/kg, gà mái bán thấp hơn 10.000 đồng/kg – khoảng 140.000 đồng/kg. Giá thị bò cũng phổ biến ở mức 220.000 – 280.000 đồng/kg.
Giá thịt heo được các tiểu thương bán với giá không đắt hơn so với ngày thường và phổ biến ở mức 100.000 – 130.000 đồng/kg. Một số tiểu thương cho biết, họ chỉ đi chợ và bán hàng trong ngày hôm nay (29 Tết), sang ngày 30 Tết sẽ nghỉ chợ để còn dọn dẹp nhà cửa, làm cơm tất niên cúng gia tiên. Một lý do khác nữa được tiểu thương chia sẻ đó là thường giá heo hơi móc hàm những ngày 30 Tết đội lên vài giá, trong khi đi chợ thì đắt, ế chưa biết thế nào.
Mặt khác, thông thường, nhiều người tiêu dùng chọn đi chợ mua thực phẩm trước đó vài ngày. Vì vậy, nếu không khéo, nhiều tiểu thương đi chợ ngày 30 Tết còn lỗ vốn. ‘Vài ba năm nay tôi nghỉ chợ ngày 30 Tết. Chợ 30 Tết chủ yếu bán một lúc buổi sáng. ‘Chậm chợ’ là lỗ vốn’, chị Hoa – tiểu thương chợ Hoàng Mai (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.
Tương tự mặt hàng thực phẩm, các mặt hàng rau xanh cũng ở mức giá như ngày thường. Xu hào 7.000 – 8.000 đồng/củ; hoa lơ 12.000 – 13.000 đồng/chiếc; bắp cải 12.000 đồng/kg; khoai tây 20.000 đồng/kg; cà rốt 15.000 – 20.000 đồng/kg....
Mặt hàng trái cây cũng phong phú, đủ loại, giá cả cũng khá ‘mềm’. Táo từ 45.000 – 120.000 đồng/kg tùy loại; xoài cát chu 75.000 đồng/kg; cam canh 60.000 đồng/kg; dưa hấu 15.000 đồng/kg; bưởi 25.000 – 30.000 đồng/quả,...
Trong khi giá cả các mặt hàng thực phẩm không ghi nhận sự tăng giá đột biến so với ngày thường thì hoa tươi lại rất đắt khách. Hoa hồng thường có giá 20.000 đồng/bông; hoa hồng lộc 30.000 đồng/bông. Hoa lay ơn phổ biến ở mức 170.000 – 200.000 đồng/chục. Hoa violet 50.000 – 60.000 đồng/bó. Hoa cúc vàng 8.000 – 10.000 đồng/bông, cúc trắng 12.000 – 13.000 đồng/bông; cúc đà lạt 35.000 đồng/bó. Hoa ly 5 tai có giá 40.000 – 50.000 đồng/cành….
Một số loại hoa ghi nhận mức giá khá cao như hoa đồng tiền 180.000 đồng/bó (20 bông); hoa thược dược miến 300.000 đồng/bó. Nhiều nhà vườn cho biết, một số loại hoa giá tăng cao do bị mất lứa hoa Tết.
Là người rất yêu thích hoa tươi, do đó, đây là một trong những thứ không thể thiếu trong ngày Tết đến Xuân về. Chị Lê Ngọc Yến (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, Tết năm nào tôi cũng lựa chọn hoa thược dược để chưng Tết. Bởi thứ hoa này đưa lại cho chúng tôi những hồi ức của Tết xưa, thời đấy các thứ hoa chơi Tết rất đơn giản, ngoài đào, quất thì chỉ có hoa lay ơn, hoa thược dược, hoa đồng tiền đơn (loại hoa đồng tiền cũ mà bây giờ rất hiếm gặp).
Năm nay hoa thược dược đắt, như với thược dược miến, ngày bình thường chỉ 70.000 đồng/bó nhưng hôm nay tăng lên 300.000 đồng/bó, dạo 3 vòng chợ tôi mới dám 'xuống tiền' để mua 2 bó. Cộng thêm vài thứ hoa khác, chi phí cho hoa tươi ngày Tết tôi phải chi là 1.200.000 đồng. ‘Đi chợ Tết ngày 29 Tết hoa tươi đắt hơn cả thịt heo’, chị Lê Ngọc Yến cho hay.
Còn theo chị Phan Thu Thảo (quận Thanh Xuân, Hà Nội), mua sắm cho Tết Nguyên đán, tôi đi rải rác trong cả tuần qua, mỗi ngày mua một ít. Đồ thực phẩm khô, bánh kẹo, được tôi từ hôm ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp âm lịch). Hôm nay, đi chợ mua hoa tươi và ít thực phẩm như thịt heo, thịt bò, thịt gà và một ít rau xanh. Mọi thứ đã khá đầy đủ, sáng mai tôi mua thêm đĩa xôi gấc thắp hương giao thừa và gia tiên. ‘Chọn mua chục lay ơn trắng về chơi, hoa thắp hương tôi chọn mua hoa cúc. Năm nay cũng nhiều khó khăn, nhưng ngày Tết tôi vẫn cố gắng sắm sửa cho đủ đầy nhưng không lãng phí’, chị Phan Thu Thảo chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, hiện với đa số người tiêu dùng, việc mua sắm Tết nay không còn như những năm trước. Họ không còn tâm lý tích trữ thức ăn cho đầy nhà hay đầy tủ lạnh. Bởi nhiều siêu thị mở cửa xuyên Tết. Chợ truyền thống cũng vậy, chỉ sang ngày mùng 2 Tết là nhiều tiểu thương đã đi chợ bán hàng. Giá cả những ngày ra Tết thông thường cũng không đắt đỏ so với ngày trước Tết mà người tiêu dùng vẫn mua được các sản phẩm tươi, ngon.