Theo Bộ Công Thương , thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá vừa qua có nhiều biến động.
Mặc dù giá dầu thô có xu hướng giảm nhưng giá các sản phẩm thành phẩm xăng dầu lại có xu hướng tăng. Nguyên nhân của việc giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm giảm là do nguồn cung xăng dầu cho thị trường thế giới tiếp tục bị hạn chế bởi việc cấm vận hành từ Nga của Mỹ và các nước châu Âu; nguồn cung cũng bị ảnh hưởng do bất ổn chính trị tại Lybia gây gián đoạn hoạt động sản xuất, Mỹ ban bố lệnh trừng phạt mới đối với Iran, sản xuất xăng dầu tại một số nước Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh ( OPEC+ ) vẫn chưa đạt được mức hạn ngạch sản xuất của mình…
Trong khi nhu cầu nguồn cung vẫn cao trong tiến trình phục hồi kinh tế của các nước (mặc dù cầu có giảm nhẹ khi các ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc gia tăng nhưng đã không giúp giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm giảm). Giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trong gần 10 ngày qua tiếp tục tăng, nhất là các mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa.
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 13/6/2022 và kỳ điều hành ngày 21/6/2022 là: 150,853 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 1,57 USD/thùng, tương đương tăng 1,06% so với kỳ trước); 157,308 USD/thùng xăng RON95 (tăng 2,56 USD/thùng, tương đương tăng 1,66% so với kỳ trước; 170,452 USD/thùng dầu hỏa (tăng 7,51 USD/thùng, tương đương tăng 4,61% so với kỳ trước); 173,713 USD/thùng dầu diesel (tăng 7,122 USD/thùng, tương đương tăng 4,28% so với kỳ trước); 657m413 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 21,48 USD/tấn, tương đương tăng 3,38% so với kỳ trước).
Trên thế giới, giá dầu thô tăng trở lại trong phiên giao dịch sáng nay sau khi lao dốc gần 6% vào cuối tuần trước. Cụ thể, lúc 7 giờ 30 (theo giờ Việt Nam) giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,77% lên trên mốc 110 USD/thùng, dầu thô Brent giao tháng 8 cũng tăng 0,87% lên trên mốc 114 USD/thùng.
Nguồn cung dầu thế giới thắt chặt hơn đã đẩy giá dầu leo dốc trở lại. Trong tháng 5, Libya chỉ sản xuất được khoảng 600.000 thùng/ngày, giảm một nửa thay vì 1,2 triệu thùng/ngày như thường lệ. Đáng lo ngại hơn nữa là hiện tại, nước Bắc Phi này chỉ sản xuất được 100.000 thùng dầu/ngày do hầu hết các mỏ dầu của nước này buộc phải ngừng hoạt động vì bất ổn chính trị gia tăng. Bên cạnh đó, các thành viên khác của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh đã và đang không thể đáp ứng được hạn ngạch sản xuất của mình.
Các nhà phân tích cho rằng, nguồn cung eo hẹp khiến giá dầu khó giảm.