Giá cao su tự nhiên kỳ hạn tháng 7 trên Sở giao dịch Osaka (OSE) – hợp đồng tham chiếu cho thị trường châu Á – ngày 19/2/2024 được giao dịch ở mức 298,5 yên (1,99 USD)/kg, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 17 tháng 2 năm 2017 (cao nhất 7 năm). So với cuối năm 2023, mức giá này cao hơn 13%. Trên các thị trường châu Á khác, giá cũng đồng loạt tăng cao.
Tại Sàn giao dịch kỳ hạn tương lai Thượng Hải, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5 hiện đạt 13.555 nhân dân tệ (1.8883,08 USD)/tấn, trong khi trên Sàn giao dịch Singapore (SICOM), hợp đồng giao tháng 3 giá 155,20 U.S. cent/kg, cao nhất trong vòng một năm rưỡi.
Hàng loạt các yếu tố cùng lúc tác động đẩy giá cao su tăng lên.
Trước hết phải kể đến doanh số bán ô tô đang bùng nổ ở Trung Quốc. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), trong nửa đầu năm 2023, doanh số bán ô tô mới chủ yếu dao động ở mức thấp 2 triệu xe mỗi tháng. Nhưng trong tháng 11/2023, doanh số bán hàng đã tăng 27,4% so với một năm trước đó lên 2,97 triệu xe, sau đó lên 3,15 triệu vào tháng 12, tăng 23,5%.
Đặc biệt, doanh số bán các phương tiện sử dụng năng lượng mới, một danh mục bao gồm xe điện, lần đầu tiên đạt 1 triệu chiếc vào tháng 11/2023. Xe điện là phân khúc đang phát triển nhanh chóng của thị trường ô tô Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới.
Doanh số bán ô tô tăng cao thúc đẩy nhu cầu cao su tự nhiên. Theo Michelin, vào tháng 12/2023, nhu cầu lốp dành cho xe mới của Trung Quốc đã tăng 30% so với một năm trước đó.
Shinichi Kato, chủ tịch văn phòng phân phối cao su Shinichi Kato có trụ sở tại Tokyo, cho biết: “Nhu cầu lốp xe của Trung Quốc có dấu hiệu chạm đáy trong tháng 12 (có nghĩa là bắt đầu tăng kể từ đó)”. “Các nhà máy địa phương đang chuyển sang tăng cường sản xuất lốp xe.”
Trong khi đó, lo ngại về nguồn cung ngày càng gia tăng khi mưa lớn ở Thái Lan, nước sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới, xảy ra trong tháng 12 đã ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cao su. Tại các nước Đông Nam Á, tháng 11 đến tháng 1 hàng năm thường là mùa khai thác mủ cao su.
Gu Jiong, người phụ trách bộ phận dịch vụ và đầu tư doanh nghiệp tại Yutaka Trusty Securities, cho biết: “Do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, trong vụ mùa năm nay, Thái Lan không thể tăng đủ sản lượng trong mùa sản xuất cao điểm”. Cơ quan khí tượng Thái Lan hôm 19/2 cảnh báo thời tiết khắc nghiệt từ ngày 23-25/2 ở vùng đông bắc, miền đông và miền trung Thái Lan có thể gây thiệt hại hơn nữa tới mùa vụ.
Giá cao su RSS3 của Thái Lan (kỳ hạn tháng 3) hiện ở mức 80.27baht/kg, cao nhất trong vòng 2 năm.
Vụ thu hoạch kém ở Thái Lan đã khiến cho lượng dự trữ tại các kho ở Nhật Bản trở nên cạn kiệt. Các kho chứa của Sở giao dịch Osaka tính đến ngày 20/1/2024 có 6.240 tấn cao su tự nhiên.
Lượng cung cấp cao su từ các nguồn sản xuất vào các kho của Sở OSE đang rất chậm. “Lượng dự trữ của các kho của sàn OSE ở thời điểm này hàng năm thường vào khoảng 10.000 tấn. Với mức chỉ hơn 6 nghìn tấn trong năm nay, thị trường đang rất lo ngại về tình trạng thiếu hụt”, ông Gu Jiong cho biết.
Khu vực Đông Nam Á đã qua giai đoạn sản xuất cao điểm và đang bước vào mùa sản xuất cao su thiên nhiên thấp, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4. Không chỉ thời tiết ở Thái Lan bất lợi, nhiệt độ ban ngày khắc nghiệt ở Malaysia cũng khiến sản lượng mủ cao su giảm và buộc một số thợ cạo mủ cao su phải làm việc vào ban đêm. Trong khi đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc dự kiến doanh số bán ô tô của nước này năm nay sẽ tăng lên khoảng 31 triệu xe.
Nhìn chung, các nhà phân tích và nhà kinh doanh cao su nhận định giá nguyên liệu sản xuất lốp xe này sẽ tiếp tục ổn định ở mức cao trong thời gian tới. Họ cho rằng giá khó có thể giảm cho đến khi kết thúc mùa sản lượng cao su thấp điểm.
Chi nhánh của Michelin ở Nhật Bản, Nihon Michelin Tyre, mới đây đã tăng giá bán lốp xe khách và các các lốp khác thêm từ 6% đến 10%, với lý do chi phí nhân công và nguyên liệu thô tăng mạnh.
Tham khảo: Nikkei, Reuters