Cơ hội đến từ trong thách thức
Tuần qua (13/6 - 17/6), nhóm cổ phiếu ngân hàng nhiều lần "ngập" trong sắc đỏ nhưng cũng có lúc hồi phục nhanh chóng. Đây cũng là tuần ghi nhận số lượng mua ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất cho nhóm cổ phiếu ngân hàng trong thời gian ngắn.
Đơn cử, sau phiên giảm điểm sâu trước đó, ngay trong phiên giao dịch chiều 14/6, nhiều mã chứng khoán ngân hàng đã hồi phục và kết phiên với 10 mã tăng giá như SSB (4,4%), KLB (1,6%), STB (1,5%), HDB (1,4%)...
Một số mã chứng kiến sự hồi phục nhanh chóng trong cùng một phiên như mã SSB có thời điểm giảm 3,3% đã đảo chiều tăng lên mức giá cao nhất trong ngày; mã HDB cũng có lúc giảm 1,8% rồi lại phục hồi tăng 1,4% khi kết phiên. Đáng chú ý, khối ngoại tiếp tục gom mạnh cổ phiếu ngân hàng với 9 mã được mua ròng phiên 14/6 với hơn 4,3 triệu cổ phiếu.
Dù không giữ được đà tăng trong ngày giao dịch tiếp theo nhưng sức hấp dẫn lại tiếp tục được lan tỏa trong ngày 16/6, trong 27 mã cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên sàn chứng khoán thì có tới 19 mã tăng giá. Mã SSB tiếp tục dẫn đầu ngành về mức tăng 5,4%, đây cũng là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của SSB với mức tăng tổng cộng 13,4%.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng mạnh như VBB (3,7%), VCB (3,4%), SGB (3,1%), ACB (2,1%), HDB (1,8%)… Chính vì vậy, các mã cổ phiếu ngân hàng tiếp tục được các nhà đầu tư nước ngoài gom mạnh với khối lượng mua ròng hơn 5,3 triệu cổ phiếu.
Có thể thấy, chỉ tính riêng trong tuần qua, hơn 556 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tăng 18% so với tuần trước đó, tương đương với giá trị giao dịch đạt 12.724 tỷ đồng. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng thêm 96 tỷ đồng cổ phiếu HDB, BID là 50 tỷ đồng, STB là 46 tỷ đồng và không có cổ phiếu ngân hàng nào bị khối ngoại bán ròng quá 30 tỷ đồng.
Tiềm năng luôn hiện hữu
Với nhiều đợt điều chỉnh sâu theo xu hướng chung của thị trường chứng khoán, song nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn được chuyên gia đánh giá triển vọng khi lợi nhuận tăng trưởng 25 - 30% hàng năm, nhờ vào hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi mạnh mẽ; lãi suất cho vay thấp để kích thích nhu cầu vay vốn của người mua nhà; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) nhận định, tiềm năng ngành Ngân hàng là có và được đưa vào nhóm ngành có vùng giá hấp dẫn hơn vì đang có mức PE và P/BV thấp. Với tình hình thị trường hiện tại thì cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng đang có mức định giá phù hợp cho việc tích lũy dài hạn hơn.
Cùng chung nhận định này, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDIRECT phân tích, cổ phiếu ngành Ngân hàng đang giao dịch ở mức P/BV dự phòng trung bình là 1,46 lần trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức P/BV trung bình 3 năm là 2 lần, mặc dù lợi nhuận toàn ngành ước tính vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và khả năng sinh lời ROE cao, điều này cho thấy mức định giá rất hấp dẫn đối với ngành.
Tương tự, ông Hoàng Công Tuấn, Chuyên gia Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, cổ phiếu ngành Ngân hàng đang được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô thuận lợi. Nền kinh tế đang phát triển nhanh, nguồn vốn FDI dồi dào, tình hình chính trị ổn định, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do…. Qua đó, giúp ngành ngân hàng tiếp đà tăng trưởng cao sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, chất lượng tài sản của một số ngân hàng tiếp tục nâng cao nhờ các chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước cũng như chiến lược chủ động đảm bảo chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại.
Thực tế, ngành Ngân hàng vẫn đang đang trên đà tăng trưởng tốt. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng đều vào tất cả lĩnh vực của nền kinh tế. Các ngân hàng đều ghi nhận tín dụng tăng vọt trong quý đầu năm nay, thậm chí tăng gấp đôi cùng kỳ, vượt ngưỡng 10% chỉ trong ba, bốn tháng đầu năm 2022.
Đáng chú ý, việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chính thức triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp mới đây sẽ giúp các ngân hàng có thể mở rộng quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh thu nhập lãi thuần đã thu hút sự chú ý trở lại của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, một chuyên gia nhận định.
Để chọn được mã cổ phiếu ngân hàng tốt nhất trong giai đoạn này, ông Hoàng Công Tuấn cho rằng cần phải hết sức chọn lọc. Bởi, trong quý I/2022 một số ngân hàng công bố biên lợi nhuận tốt, duy trì mặt bằng tăng trưởng nhưng vẫn có một số ngân hàng có dấu hiệu suy giảm. Do đó, các nhà đầu tư cần nghiên cứu những cổ phiếu ngân hàng quản trị tài sản tốt, khả năng sẽ được nới room tín dụng sắp tới khi Ngân hàng Nhà nước triển khai gói cấp bù lãi suất 2% để hỗ trợ doanh nghiệp.