Trong bối cảnh thị trường bất động sản cả nước thường gắn liền với các từ như “cắt lỗ”, “hạ nhiệt”, “ảm đạm”, quận Long Biên và huyện Gia Lâm, 2 khu vực ở phía đông bắc Hà Nội, vẫn không chịu ảnh hưởng quá nhiều từ làn sóng biến động này.
Theo người dân địa phương chia sẻ, giao dịch ở đây có chững lại, thậm chí là ảm đạm trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, giá nhà đất vẫn neo cao, thậm chí có nơi tăng.
Giá không giảm mà chỉ có tăng
Tại mặt đường phố Hồng Tiến, phường Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội), theo một số môi giới, giá nhà đất ở đây vẫn được rao báo hơn 300 triệu đồng/m2. Đối với các căn nhà trong ngõ, mức giá sẽ khoảng 150-200 triệu đồng/m2.
Đây là mức giá tương đương với các quận trung tâm Hà Nội. Hiện nhà mặt phố Trường Chinh, Đống Đa, có giá trung bình khoảng 320 triệu đồng/m2. Hay tại quận Hai Bà Trưng, giá những căn nhà tại mặt phố Minh Khai cũng vượt 315 triệu đồng/m2.
“Giá nhà tại đây cao nên tiền thuê cũng không thể thấp được. Đối với những căn nhà nhỏ, mặt tiền tầm 4 m thì giá thuê khoảng 30 triệu đồng/tháng. Các căn lớn hơn, mặt tiền gần 7m thì giá tầm 50 triệu đồng/tháng”, bà Lan Hoa, người dân sống tại phố Hồng Tiến, chia sẻ với Zing.
Một số người dân khác cho biết đất tại khu vực Long Biên tăng giá từ khi nơi này được lên quận vào năm 2003. Ngoài ra, các ưu điểm như quỹ đất rộng, hạ tầng đường sá phát triển đã khiến giá đất tại Long Biên không bị suy giảm trong bối cảnh thị trường ảm đạm.
“Lượng giao dịch có chững lại nhưng giá thì chắc chắn không giảm. Ngay cả với đất nền, giá cũng chỉ đi ngang”, ông Nguyễn Văn Cẩn, người dân sống tại quận Long Biên, cho biết.
Theo một môi giới bất động sản, quỹ đất trống tại những phường nằm gần các cây cầu bắc qua sông Hồng cũng không còn nhiều. Bên cạnh đó, người này cũng tiết lộ một hình thức đầu tư bất động sản mới tại quận Long Biên. Tuy nhiên, những tháng gần đây, lượng giao dịch gần như chỉ lác đác, thậm chí có tuần không hề có giao dịch.
“Nhiều người mua nhà rồi sửa sang, thêm nội thất rồi bán lại. Việc này có thể mang lại khoản lãi khoảng 300-400 triệu đồng. Những căn nhà như này bán khá nhanh và dễ thanh khoản”, môi giới viên chia sẻ.
Còn tại Gia Lâm, theo một số môi giới, lượng giao dịch không sôi động như mọi năm. Đây cũng là tình trạng chung của thị trường từ quý III năm ngoái tới nay. Tuy vậy, thời gian gần đây, các giao dịch đã bắt đầu trở lại.
Các khu vực gần trung tâm như Đặng Xá, Kiêu Kỵ, Đa Tốn, Đông Dư, giá nhà đất gần như vẫn giữ nguyên, không hề thay đổi. Nhiều người còn kỳ vọng việc Gia Lâm có thể sẽ lên quận trong năm nay khiến bất động sản tại đây khá giữ giá.
Trong số những khu vực kể trên, giá nhà đất tại Đông Dư là cao nhất. Giá đất tại đây khoảng 60 triệu đồng/m2. Còn giá nhà dao động xung quanh 85 triệu đồng/m2.
Môi giới viên này cũng lưu ý rằng những người mua đất nhằm đầu cơ, lướt sóng sẽ khó lòng bán nhanh được trong thời điểm hiện tại, kể cả đó là ở Long Biên hay Gia Lâm.
Gia Lâm còn tiềm năng hơn Long Biên
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, giá nhà đất tại Long Biên tăng cao so với những năm trước. Điều này xuất phát từ việc hạ tầng tại khu vực này được đầu tư tốt, nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng được xây mới.
Nổi bật trong số những cây cầu sắp được xây dựng là cầu Trần Hưng Đạo. Công trình này sẽ nối vị trí khu dân cư tại phố Thạch Cầu, Long Biên với trung tâm thành phố Hà Nội. Tổng chiều dài cây cầu khoảng 5,5 km với 6 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp.
“Kết cấu khung hạ tầng và các đô thị mới tại Long Biên, Gia Lâm đang phát triển tốt nên giá cả tại đây tăng rất cao so với trước”, ông Nguyễn Thế Điệp chia sẻ với Zing.
Dẫu thị trường đi xuống, khu vực này vẫn có tín hiệu tốt vì bản chất Long Biên, Gia Lâm có hạ tầng chất lượng và nhiều khu đô thị lớn. Nơi đây hội tụ đủ những yếu tố mà nhà đầu tư và người mua nhà đang rất cần
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội
Bên cạnh đó, ông cũng nhận định rằng đất nền vẫn là một trong những loại hình bất động sản mang lại lợi nhuận cao và gia tăng giá nhiều nhất tại Long Biên và Gia Lâm.
“Dẫu thị trường đi xuống, khu vực này vẫn có tín hiệu tốt vì bản chất Long Biên, Gia Lâm có hạ tầng chất lượng và nhiều khu đô thị lớn. Nơi đây hội tụ đủ những yếu tố mà nhà đầu tư và người mua nhà đang rất cần”, ông Nguyễn Thế Điệp nhận định.
Theo ông Điệp, huyện Gia Lâm còn tiềm năng phát triển nhiều hơn cả quận Long Biên vì đây là nơi tọa lạc của nhiều đô thị lớn, trong đó nổi bật là Vinhomes Ocean Park.
Nhìn về mặt quy hoạch, huyện Gia Lâm có mật độ xây dựng thấp hơn quận Long Biên, khoảng không gian xanh cũng nhiều hơn các quận khác. Ngoài ra, khu vực này còn có hai con sông bao quanh và hệ thống giao thông có sự kết nối giữa các tuyến đường lớn. Vì vậy, tiềm năng phát triển tại huyện Gia Lâm là rất cao.
Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đặt ra mục tiêu đưa huyện Gia Lâm lên quận vào năm 2023. Nhiều người cho rằng giá nhà đất tại đây sẽ còn tăng cao hơn nữa khi điều này trở thành hiện thực trong năm nay.
Hiện hạ tầng tại cả quận Long Biên và huyện Gia Lâm đều được hưởng lợi trực tiếp từ hàng loạt chung cư, khu đô thị nằm tại phía đông Hà Nội. Nhiều chủ đầu tư lớn như Vingroup, Ecopark, BRG Group, Eurowindow, Sunshine Group... đều đã “rót” hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng nhiều dự án tại đây.
Quận Long Biên đang là điểm đến của nhiều dự án lớn, bao gồm Le Grand Jardin, Vinhomes Riverside, Sunshine Green Iconic... Tại huyện Gia Lâm, nhiều dự án lớn cũng tọa lạc tại đây như khu đô thị Vinhomes Ocean Park, Eurowindow Twin Parks, chung cư Masteri Waterfront…