Các thị trường đều đang dồn sự chú ý vào cuộc họp chính sách diễn ra vào tuần này của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo dữ liệu của Trading Economics, giá dầu thô Brent (tiêu chuẩn toàn cầu) trồi sụt mạnh trước thềm cuộc họp. Trong vòng 24 giờ qua, giá có lúc vọt lên 89 USD/thùng rồi rơi xuống dưới ngưỡng 86 USD/thùng.
Năm ngoái, giá dầu quay đầu giảm mạnh sau khi chạm mốc cao nhất 14 năm 139 USD/thùng hồi tháng 3. Nhưng loại hàng hóa này đã trở lại đà tăng trong vòng một tháng qua. Theo giới quan sát, các nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất.
Fed nhẹ tay hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ cởi bỏ áp lực trên thị trường dầu. Các đợt tăng lãi suất mạnh tay có thể đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, từ đó kéo tụt nhu cầu đối với dầu.
Cuộc họp quan trọng của Fed
Theo S&P, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu có thể rớt xuống khoảng 70 USD/thùng nếu kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Nỗi lo ngại suy thoái cũng là nguyên nhân kéo tụt giá dầu kể từ tháng 6 năm ngoái.
Hơn nữa, giá dầu thường biến động ngược chiều USD. Sức mua của đồng bạc xanh tăng lên sẽ khiến số USD cần thiết để mua mỗi thùng dầu giảm đi.
Đến nay, các thị trường gần như hoàn toàn tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào cuộc họp tuần tới, và duy trì tốc độ này trong cuộc họp tháng 3.
Các dữ liệu về lạm phát đang phát đi những tín hiệu tích cực. Cuối năm, chỉ số lạm phát của Mỹ đã giảm mạnh từ mức cao nhất 41 năm.
Theo dữ liệu mới được Bộ Thương mại Mỹ công bố, trong tháng 12, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - loại trừ giá thực phẩm và năng lượng - tăng 4,4% so với một năm trước đó, giảm từ mức 4,7% của tháng 11. Đây là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 10/2021.
Tính riêng trong tháng 12, PCE lõi tăng 0,3%, tương đương với ước tính của Dow Jones.
Theo các dữ liệu trước đó, trong tháng 12, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ đã ghi nhận mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ đầu đại dịch, và mức tăng hàng năm thấp nhất trong hơn một năm.
"Các ván cược vào việc Fed giảm tốc độ nâng lãi suất đang tăng lên, bởi những tín hiệu của một cuộc suy thoái kinh tế ngày càng rõ ràng", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (Mỹ) - nói với Zing.
Dĩ nhiên, ngay cả khi Fed giảm tốc độ tăng lãi suất như dự báo của giới quan sát, giá dầu vẫn sẽ lao dốc nếu suy thoái kinh tế xảy ra. Theo ông Andrew Hunter - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Capital Economics, tác động trễ từ các đợt tăng lãi suất có thể đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới vào một cuộc suy thoái nhẹ trong nửa đầu năm nay.
Kể từ tháng 3/2022, ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất điều hành tổng cộng 4,25 điểm phần trăm lên mức cao nhất 15 năm.
Ảnh hưởng từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ thường có độ trễ. Điều này có nghĩa là tác động của các đợt tăng lãi suất liên tiếp vẫn chưa được thể hiện đầy đủ.
'Biến số' Trung Quốc
Ngoài các động thái của Fed, giá dầu cũng vọt tăng nhờ Trung Quốc nới lỏng chính sách chống dịch. Giới đầu tư lạc quan rằng nhu cầu nhiên liệu sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ những thay đổi của Bắc Kinh.
Theo báo cáo mới đây của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, giá hàng hóa - nhất là giá dầu thô - sẽ lên xuống theo tình hình tại Trung Quốc khi nước này mở cửa trở lại.
"Thị trường nào sẽ hưởng lợi nhất khi (Trung Quốc) mở cửa trở lại? Đó là dầu", ông Jeff Currie - Trưởng bộ phận Nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Goldman Sachs - nhận định.
"Những thứ gì đang nằm im? Máy bay, tàu hỏa và xe hơi. Các vị sẽ đưa tất cả trở lại và đó là cú hích lớn đối với nhu cầu dầu mỏ", vị chuyên gia nói thêm.
Hơn nữa, sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc cũng có thể dẫn dắt đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm nay. Trong báo cáo mới được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hôm 18/1, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,9 triệu thùng/ngày lên 101,7 triệu thùng/ngày.
"Trung Quốc sẽ thúc đẩy gần 50% tăng trưởng nhu cầu toàn cầu, dù vẫn chưa rõ cách thức và tốc độ mở cửa trở lại của nước này", IEA nhận định.
Theo IEA, nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi sẽ tạo ra một thị trường dầu thắt chặt. Bởi đó là lúc các biện pháp trừng phạt từ phía phương Tây áp lên lĩnh vực năng lượng của Nga phát huy tác dụng.
Theo IEA, trong tháng 12, xuất khẩu dầu của Nga giảm trung bình 200.000 thùng/ngày so với tháng trước. Bởi trong tháng cuối năm 2022, kế hoạch áp giá trần dầu Nga của phương Tây và lệnh cấm đối với dầu vận chuyển qua đường biển của Nga từ phía Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực.
Trên thực tế, IEA không quá chắc chắn về tương lai của thị trường dầu. Nguồn cung dầu từ Nga dự kiến lao dốc, nhưng tồn kho dầu thô toàn cầu vẫn đang ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2021.
Theo cơ quan này, sự bùng nổ của xe điện và nỗ lực tiết kiệm nhiên liệu của các quốc gia đã góp phần hạ nhiệt nhu cầu. IEA nhận định các biện pháp giảm cầu "rất quan trọng trong một thị trường hạn chế về cung".
Tác động từ sự mở cửa trở lại của Trung Quốc đối với thị trường dầu cũng tồn tại nghịch lý. Nhu cầu của đất nước 1,4 tỷ dân - nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới - sẽ đẩy giá dầu lên cao.
Nhưng việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng có thể kéo giá hàng hóa toàn cầu và lạm phát lên cao. Điều này buộc Fed phải hành động để bình ổn giá cả, từ đó đè nặng lên các thị trường hàng hóa, trong đó có mặt hàng dầu.