Theo CNN, nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo sẽ vọt lên mức kỷ lục sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn.
Trong báo cáo mới được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hôm 18/1, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,9 triệu thùng/ngày lên 101,7 triệu thùng/ngày.
"Trung Quốc sẽ thúc đẩy gần 50% tăng trưởng nhu cầu toàn cầu, dù vẫn chưa rõ cách thức và tốc độ mở cửa trở lại của nước này", IEA nhận định.
Sự trở lại của Trung Quốc
Bắc Kinh bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt kể từ tháng 12 năm ngoái. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã mở đường cho sự phục hồi trong hoạt động di chuyển, thương mại và kinh tế.
Hầu hết giới quan sát tin rằng kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn phục hồi chậm chạp vào quý I, rồi khởi sắc trong phần còn lại của năm.
Theo IEA, nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi sẽ tạo ra một thị trường dầu thắt chặt. Bởi đó là lúc các biện pháp trừng phạt từ phía phương Tây áp lên lĩnh vực năng lượng của Nga phát huy tác dụng.
Theo IEA, trong tháng 12, xuất khẩu dầu của Nga giảm trung bình 200.000 thùng/ngày so với tháng trước. Bởi trong tháng cuối năm 2022, kế hoạch áp giá trần dầu Nga của phương Tây và lệnh cấm đối với dầu vận chuyển qua đường biển của Nga từ phía Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực.
Giá dầu thô Brent - tiêu chuẩn toàn cầu - quay đầu lao dốc sau khi chạm mốc cao nhất 14 năm 139 USD/thùng hồi tháng 3/2022, sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine.
Giá dầu trở lại đà tăng vào đầu tháng 12 năm ngoái. Giá dầu Brent hiện dao động quanh mức 84,5 USD/thùng, còn giá dầu WTI chuẩn Mỹ khoảng 78,6 USD/thùng.
Khó dự báo giá dầu
Trên thực tế, IEA không quá chắc chắn về tương lai của thị trường dầu. Nguồn cung dầu từ Nga dự kiến lao dốc, nhưng tồn kho dầu thô toàn cầu vẫn đang ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2021.
Theo cơ quan này, sự bùng nổ của xe điện và nỗ lực tiết kiệm nhiên liệu của các quốc gia đã góp phần hạ nhiệt nhu cầu. IEA nhận định các biện pháp giảm cầu "rất quan trọng trong một thị trường hạn chế về cung".
Trong khi đó, các lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp thế giới lạc quan rằng thế giới có thể tránh khỏi một cuộc suy thoái kinh tế vào năm 2023. Nhưng họ vẫn thận trọng về nguy cơ này.
Một phần nguyên nhân là sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc. Việc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy làn sóng chi tiêu và bù đắp cho sự suy yếu của kinh tế Mỹ và châu Âu.
Đầu tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết khoảng 1/3 kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái trong năm nay. Theo CNN, "suy thoái" thường được định nghĩa là 2 hoặc nhiều quý sụt giảm tăng trưởng liên tiếp.
Nói với CNBC hôm 17/1, bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu "sẽ chạm đáy vào năm nay".
"Chúng tôi dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm so với năm 2022", bà nhận định. Tuy nhiên, vị giám đốc điều hành tin rằng giai đoạn mà IMF phải thường xuyên hạ dự báo tăng trưởng đã gần kết thúc.
Kể từ tháng 10/2021, IMF hạ dự báo tăng trưởng tổng cộng 3 lần. "Tin tốt là tăng trưởng có khả năng chạm đáy trong năm nay và sẽ phục hồi vào năm 2024", bà Georgieva nhận định với CNBC.
Còn theo các nhà phân tích của Moody's Analytics, tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ gần như chững lại trong năm nay. Nhưng nước này có thể thoát khỏi một cuộc suy thoái kinh tế toàn diện trong gang tấc.
"Trong gần như mọi kịch bản, nền kinh tế Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023", ông Mark Zandi - chuyên gia kinh tế trưởng của Moody's Analytics - bình luận. "Tuy nhiên, lạm phát đang nhanh chóng hạ nhiệt, các yếu tố cơ bản của nền kinh tế vẫn ổn định", ông nói thêm.
Vào tháng 11 năm ngoái, OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) bắt đầu cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày do dự báo nhu cầu lao dốc. Chính sách này sẽ kéo dài sang năm 2023.