Ảnh minh họa.
Lo ngại suy thoái khiến giá dầu mất 40 USD/thùng
Ngày càng có nhiều lo ngại về sự suy thoái sắp xảy ra ở châu Âu và Mỹ đã chi phối tâm lý trên thị trường dầu trong 3 tháng qua. Kể từ tháng 6/2022, khi Fed bắt đầu tăng mạnh lãi suất, giá dầu đã mất khoảng 40 USD/thùng, giảm xuống dưới 90 USD/thùng từ mức đỉnh 130 USD/thùng trong mùa xuân. Chính sách zero-Covid ở Trung Quốc với các đợt phong tỏa nhanh và hạn chế việc đi lại, cùng với lo ngại về sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc, cũng đã đè nặng lên tâm lý thị trường.
Nhiều nhà giao dịch dầu kỳ hạn đã tháo chạy khỏi thị trường dầu biến động trong mùa hè này. Điều này làm giảm tính thanh khoản và khiến cho bất kỳ biến động giá nào thậm chí còn trở nên biến động hơn. Những người ở lại dường như chỉ tập trung vào một yếu tố giảm giá - suy thoái và khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu dầu.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, nhu cầu vẫn đang tăng lên, bao gồm nhu cầu nhiều hơn về dầu để chuyển từ khí đốt tự nhiên, vốn có giá cao ngất ngưởng đã trở thành điều cấm kị đối với nhiều ngành công nghiệp và các đơn vị sản xuất điện ở châu Âu.
Thị trường kỳ hạn ngụ ý nhu cầu thấp trong tương lai
Dựa vào nguồn cung dầu thực tế, thương mại và dòng chảy, lãnh đạo các tập đoàn dầu khí cho rằng nguồn cung sẽ phải vật lộn để bắt kịp nhu cầu một khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi và có thể lên đến 2 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm của Nga mỗi ngày phải tìm được điểm đến mới bên ngoài EU và G7 sớm nhất là vào tháng 12/2022.
Chia sẻ trên Reuters, Saad Rahim - Chuyên gia kinh tế trưởng của Trafigura, cho biết tại hội nghị dầu khí APPEC ở Singapore đầu tuần này rằng các nền kinh tế phát triển chậm lại và việc tăng lãi suất dự kiến sẽ khiến các nhà đầu tư và nhà giao dịch rút khỏi các tài sản rủi ro như dầu thô. Điều này có nghĩa là giá dầu có thể không vượt 100 USD/thùng một lần nữa trong năm nay. Năm tới, giá dầu có thể phục hồi lên trên 100 USD nếu Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế đi lại liên quan đến Covid và Fed chậm hoặc dừng việc tăng lãi suất để cố gắng thúc đẩy tăng trưởng.
“Một thế giới của những đợt tăng giá dầu”
Tuy nhiên, ông Saad Rahim cho rằng, nhìn xa hơn Q4 năm 2022, thị trường dầu mỏ sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn cung và giá dầu tăng đột biến.
Nguyên nhân chính không phải do Nga và cấm vận của EU cũng như giới hạn giá dầu Nga. Chính sự thiếu đầu tư nhiều năm vào ngành này đã khiến các nhà sản xuất lớn không có khả năng phản ứng trước những cú sốc về nguồn cung với lượng dầu và các sản phẩm của Nga có thể bị mất trên thị trường.
"Chúng ta có khả năng chuyển từ thế giới chu kỳ hàng hóa sang thế giới của những đợt tăng đột biến do tình trạng thiếu đầu tư đã diễn ra trong thập kỷ qua”, ông Rahim cho biết tại hội nghị APPEC.
Nhà kinh tế trưởng của Trafigura cho biết thêm, nếu thế giới cần tìm thêm 2-3 triệu thùng/ngày do nhu cầu ở Trung Quốc hoặc Mỹ tăng lên trong năm tới, các nhà sản xuất sẽ phải chật vật để tìm kiếm nguồn cung đó.
Ảnh minh họa.
Công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới và là nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất, Saudi Aramco, gần đây cũng đã nhắc lại cảnh báo mà họ đã đưa ra trong nhiều năm: một cú sốc nguồn cung và công suất dự phòng bị xóa sổ sẽ đến khi các nền kinh tế phục hồi.
Theo giám đốc điều hành của Aramco, cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ngày càng khốc liệt. Tuần trước, ông Amin Nasser - Giám đốc điều hành của Aramco cho biết: "Đầu tư vào dầu khí đã giảm hơn một nửa từ năm 2014 đến năm 2021 và mức tăng trong năm nay là quá ít, quá muộn, quá ngắn hạn”.
Nhà kinh tế trưởng của Trafigura, Rahim dự báo giá dầu có thể gặp khó khăn trong ngắn hạn, nhưng một khi các nền kinh tế phục hồi, thế giới sẽ thấy mình thiếu hụt nguồn cung dầu và các mặt hàng khác.
“Chúng ta có thể thấy rất rõ tình huống này trong năm tới hoặc bất cứ khi nào chúng ta thoát khỏi giai đoạn suy thoái ... nơi chúng ta thấy mình có mức tồn kho cực thấp đối với những thứ như dầu diesel, đồng và kẽm. Và thế giới cần những vật liệu này”.