Theo Trading Economics, giá dầu Brent toàn cầu đã rơi xuống 81,3 USD/thùng, đánh dấu mức thấp nhất trong gần 3 tuần. Dầu WTI chuẩn Mỹ cũng sụt giá mạnh xuống 77,22 USD/thùng.
Như vậy, toàn bộ mức tăng của giá dầu thô toàn cầu sau quyết định cắt giảm sản lượng của các thành viên OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) đã bị xóa sạch.
"Chúng ta đang chứng kiến giá dầu điều chỉnh giảm sau động thái bất ngờ của OPEC+ (OPEC và đồng minh)", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại London (Anh) - giải thích với Zing. Nguyên nhân là lo ngại về một cuộc suy thoái và quan điểm "diều hâu" của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang tăng lên.
Lo ngại suy thoái
Các thị trường gần như chắc chắn rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 5.
Theo dữ liệu của CME Group, các thị trường đang định giá khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm là 86%, tăng từ mức 67% của một tuần trước đó (ngày 13/4).
Trong khi đó, khả năng Fed giữ nguyên lãi suất dựa trên định giá của thị trường là 14%, giảm từ mức 33% của thứ năm tuần trước.
Các quan chức Fed cũng đưa ra những bình luận "diều hâu". Mới đây, ông Raphael Bostic - Chủ tịch Fed Atlanta - dự đoán cơ quan hoạch định chính sách của Fed sẽ nhất trí tăng lãi suất điều hành 0,25 điểm phần trăm, và có thể giữ lãi suất ở mức cao "trong một thời gian dài".
Cách đó vài ngày, ông Christopher Waller - Thống đốc Fed - khẳng định ngân hàng trung ương Mỹ vẫn "chưa đạt được nhiều tiến bộ" trong việc đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%. Ông nhấn mạnh rằng cần phải tăng lãi suất điều hành lên cao hơn nữa.
Fed buộc phải đánh đổi tăng trưởng kinh tế để kìm hãm lạm phát. Nhưng việc cơ quan này tăng lãi suất dồn dập có thể đẩy nền kinh tế hàng đầu vào suy thoái. Các hoạt động kinh tế chậm lại do suy thoái sẽ tác động tới nhu cầu và giá dầu.
Trong khi đó, báo cáo lạm phát mới nhất của Anh chỉ ra chỉ số giá tiêu dùng bất ngờ tăng trên 10% trong tháng 3. Điều này có thể buộc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) phải tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 5.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu cũng được dự đoán sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong vài tháng tiếp theo.
Các yếu tố hỗ trợ
Vẫn còn một số yếu tố hỗ trợ giá dầu. Theo báo cáo mới nhất của EIA, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 4,581 triệu thùng trong tuần trước. Điều này có thể thúc đẩy giá dầu trong ngắn hạn.
Trong khi đó, nhu cầu dầu tại Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu hàng đầu - được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong năm nay. Quốc gia này đang đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế sau nhiều năm chống dịch gắt gao.
Theo dữ liệu mới được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBC) công bố, GDP nước này đã tăng trưởng 4,5% trong 3 tháng đầu năm 2023, cao hơn nhiều so với dự báo 4% của các chuyên gia được Reuters khảo sát.
Đây là mức tăng cao nhất của một quý trong vòng 3 năm trở lại đây, tăng mạnh từ mức 2,9% trong quý IV/2022.
Hơn nữa, các thành viên OPEC+ vẫn quyết tâm giữ giá dầu ở mức cao. Bất chấp bóng ma lạm phát đang bao trùm toàn cầu, họ kiên quyết cắt giảm sản lượng để giải cứu giá dầu.
Việc cắt giảm sản lượng cho thấy các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới cuối cùng cũng phải chấp nhận rằng thời đại của dầu mỏ sắp sửa kết thúc", cây bút David Fickling của Bloomberg bình luận.
"Đó là lý do họ muốn thu tiền về (thông qua việc đẩy giá lên cao) vào thời điểm này. Nhóm này sợ rằng những con gà đẻ trứng vàng sẽ không thể kiếm bộn tiền trong vài năm tới", vị chuyên gia nói thêm.