Nga sẽ ghi nhận doanh thu “khủng” từ dầu mỏ và khí đốt
Vào tuần trước, giá hợp đồng dầu tương lai đã tăng hơn 5% kể từ khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga gây bất ngờ cho thị trường với việc cắt giảm thêm các mục tiêu sản xuất từ tháng Năm.
Trong quý đầu tiên của năm 2023, Nga đã ghi nhận khoản thâm hụt ngân sách 29 tỷ USD, phần lớn là do doanh thu từ xuất khẩu năng lượng quan trọng của nước này giảm, vốn là mục tiêu của các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Phát biểu tại một cuộc họp Chính phủ được truyền hình trực tiếp, ông Putin nhận định doanh thu từ dầu khí của Nga, một khoản mục quan trọng trong ngân sách nhà nước, đã giảm khoảng 1,3 nghìn tỷ rúp (15,8 tỷ USD) trong quý đầu tiên của năm 2023.
Tuy nhiên, vị Tổng thống tuyên bố: “Dự kiến hết quý II, trong bối cảnh giá dầu tăng, tình hình sẽ thay đổi. Các khoản thu bổ sung từ dầu khí sẽ bắt đầu được chuyển vào ngân sách của Moscow".
Trước đó vào ngày 11/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết Nga có thể chứng kiến thâm hụt ngân sách lớn hơn nhiều và thặng dư tài khoản vãng lai nhỏ hơn trong năm nay, trong khi sự cô lập toàn cầu và doanh thu năng lượng thấp hơn làm giảm triển vọng tăng trưởng của nước này trong những năm tới.
IMF đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Nga từ 0,3% lên 0,7% nhưng hạ dự báo năm 2024 từ 2,1% xuống 1,3%, đồng thời cho biết tình trạng thiếu lao động và sự di cư của các công ty phương Tây sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế nước này.
Trong một cuộc họp về các vấn đề kinh tế ngày 11/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các xu hướng tích cực của nền kinh tế Nga đang được củng cố, kể từ đầu tháng Tư, doanh số bán lẻ đã tăng gần 25%.
Tổng thống Putin lưu ý rằng vận chuyển bằng đường sắt đã tăng, khi trong tháng Tư đã tăng lên 3,6% từ mức khoảng 2% của tháng Ba.
Quyết định bất ngờ của OPEC+ có thể khiến nguồn cung thắt chặt
Quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện của một số thành viên OPEC+ sẽ khiến thị trường dầu mỏ thắt chặt hơn từ tháng 5/2023 và đẩy giá dầu thô lên cao.
Dự trữ dầu đã cao hơn mức trung bình 5 năm và sản lượng hiện tại từ 13 thành viên của OPEC cao hơn khoảng 300.000 thùng/ngày so với mức cần thiết trong quý II chỉ ở mức 28,8 triệu thùng/ngày.
Nhưng trong nửa cuối năm nay, thị trường thế giới sẽ thắt chặt đáng kể. OPEC đã dự đoán tình trạng thâm hụt nguồn cung sẽ xuất hiện trong mùa hè và những đợt cắt giảm mới được công bố sẽ khiến sự thiếu hụt thậm chí còn rõ rệt hơn.
Trong khi OPEC+ mô tả việc cắt giảm là một “biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường”, mức tiêu thụ sẽ tăng 2,3 triệu thùng/ngày, vượt qua mức trước đại dịch để đạt mức kỷ lục 101,89 triệu thùng/ngày.
Trên thực tế, việc cắt giảm sản lượng của OPEC dự kiến sẽ nhỏ hơn so với công bố vì một số thành viên đã bơm dưới mức mục tiêu của họ. Nhưng ngay cả khi chỉ các quốc gia vùng Vịnh chủ chốt của liên minh thực hiện theo thỏa thuận, sản lượng của OPEC sẽ giảm xuống còn khoảng 28 triệu thùng/ngày - ít hơn khoảng 1,6 triệu/ngày so với mức mà tổ chức cho là sẽ cần trong quý III và ít hơn ít nhất 2 triệu thùng/ngày so với mức cần thiết trong quý IV.
Báo cáo cho biết, nhu cầu đối với dầu thô của OPEC dự kiến sẽ đạt 30,3 triệu thùng/ngày trong quý IV.
Các tính toán của OPEC giả định rằng nguồn cung của Nga sẽ giảm trung bình 750.000 thùng/ngày trong năm nay và giảm mạnh trong quý này. Đó là mức giảm lớn hơn nhiều so với mức giảm 500.000 thùng/ngày mà Nga đã cam kết gần đây.
Xuất khẩu của Nga đã tỏ ra kiên cường bất chấp những cam kết sẽ đáp trả lại các biện pháp trừng phạt, mặc dù dữ liệu vận chuyển mới nhất bị chậm lại cho thấy các biện pháp trừng phạt có thể bắt đầu có tác dụng.
Tham khảo: Reuters