Theo đó, Tổng thống Vladimir Putin cho biết trên kênh Rossiya 24 TV rằng các quyết định của Nga đối với việc áp giá trần của châu Âu sẽ được đưa ra trong vài ngày tới.
Ngay sau thông báo này của ông Putin, giá hợp đồng tương lai WTI vào thứ 6 đã tăng lên trên 72 USD/thùng, tăng hơn 2%. Dù vậy, chỉ số giá dầu của Mỹ là Brent đã giảm khoảng 9% trong tuần này. Hợp đồng tương lai của 2 chỉ số dầu thô là WTI và Brent đều đang trong tình trạng bù hoãn mua.
Thị trường dầu thô cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thanh khoản kéo dài, khiến giá dễ bị dao động lớn. Ngoài ra, việc lạm phát của Mỹ cao hơn dự kiến cũng khiến việc biến động giá ngày càng dữ dội.
Cùng với đó, việc đóng cửa đường ống Keystone sau sự cố tràn dầu đã làm xáo trộn dòng chảy dầu thô trên khắp nước Mỹ. Nhưng các thương nhân vẫn tin rằng một đoạn của đường ống sẽ sớm khởi động trở lại.
Michael Tran và Helima Croft, các Phân tích viên của RBC Capital Markets cho biết: “Theo chúng tôi, sự suy giảm của thị trường dầu mỏ là do thị trường bán hợp đồng tương lai giảm đột ngột vì thanh khoản quá thấp”.
Dầu thô đang trên đà giảm hàng quý liên tiếp đầu tiên kể từ giữa năm 2019 do triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi. Các ngân hàng trung ương liên tục thắt chặt chính sách tiền tệ, mặc dù Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen vẫn cho rằng Mỹ đang tránh khỏi suy thoái.
Các thương nhân cũng đang đánh giá hậu quả từ việc áp giá trần đối với dầu của Nga, khi điều này có thể làm nghẽn tàu chở dầu ở vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Bộ trưởng Năng lượng của Oman, các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ đang rất bất an đối với việc G7 áp giá trần và dường như các quốc gia này sẽ không thể yên tâm trong tương lai gần.