Giá dầu giảm khi nhu cầu đối mặt với kịch bản lao dốc vì suy thoái. Ảnh: Brandon Bell.
Theo dữ liệu của Trading Economics, rạng sáng ngày 15/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent đã lao dốc hơn 3,14% xuống dưới ngưỡng 92 USD/thùng. Trong khi đó, dầu WTI chuẩn Mỹ sụt giá 3,58% còn 85,9 USD/thùng.
Giá dầu thô thế giới giảm mạnh khi nỗi lo ngại suy thoái vẫn phủ bóng lên kinh tế toàn cầu. Khả năng nhu cầu suy yếu, nhất là ở Trung Quốc, khiến quyết định cắt giảm sản lượng mục tiêu của OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) mất đi sức nặng.
"Những thông tin về hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc, đều đang đè nặng lên triển vọng nhu cầu dầu", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - nhận định với Zing.
Giá dầu WTI và dầu Brent đồng loạt lao dốc. Ảnh: Trading Economics.
Bóng ma suy thoái
"Dường như Mỹ sẽ bị đẩy vào một cuộc suy thoái do cuộc chiến chống lạm phát của ngân hàng trung ương, trong khi Trung Quốc không có ý định thay đổi chiến lược Zero-Covid", ông giải thích.
Lạm phát lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm) đã ghi nhận mức cao nhất trong 40 năm. Điều này buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tiếp tục quyết liệt trong cuộc chiến chống lạm phát bằng cách giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn.
Dường như Mỹ sẽ bị đẩy vào một cuộc suy thoái do cuộc chiến chống lạm phát của ngân hàng trung ương, trong khi Trung Quốc không có ý định thay đổi chiến lược Zero-Covid.
Chuyên gia tài chính Edward Moya
Việc Mỹ liên tục tăng lãi suất có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái. Trong cuộc họp chính sách tháng 11, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ quyết định nâng lãi suất điều hành bao nhiêu điểm phần trăm.
Một cuộc khảo sát được công bố hôm 14/10 cho thấy tâm lý của người tiêu dùng Mỹ đã cải thiện trong tháng 10. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, đây không phải tín hiệu tốt với kinh tế Mỹ.
"Sự cải thiện trong tâm lý của người tiêu dùng được coi là tin xấu. Bởi Fed cần phải phá hủy niềm tin của người tiêu dùng và giảm tốc đà tăng trưởng của nền kinh tế", ông Phil Flynn - nhà phân tích tại Price Futures Group (có trụ sở ở Chicago) - bình luận.
Để đối phó với lạm phát kỷ lục, Fed buộc phải trả giá bằng tăng trưởng kinh tế. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng lạm phát còn tồi tệ hơn suy thoái. Thất nghiệp khiến hàng triệu người Mỹ lao đao, nhưng mọi người đều sẽ chịu ảnh hưởng bởi giá cả tăng cao, dù nhiều hay ít.
"Việc Fed phải hành động mạnh tay hơn sẽ tiếp thêm nhiệt lượng cho đà tăng trưởng của đồng USD, và đè nặng lên thị trường dầu", ông Flynn bình luận.
Đồng bạc xanh mạnh lên
Đồng USD mạnh hơn có thể làm giảm nhu cầu đối với dầu. Bởi nhiên liệu sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với những khách hàng thanh toán bằng tiền tệ khác.
Chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ gồm 6 đồng tiền lớn, bao gồm đồng yen, euro và bảng Anh - đã tăng hơn 20% so với một năm trước đó lên 113,3 điểm.
Các thị trường hàng hóa khác cũng đồng loạt lao dốc. Trong phiên giao dịch hôm 14/10 (theo giờ Mỹ), mỗi ounce vàng tiếp tục giảm 23,1 USD so với mức đóng cửa phiên trước đó về 1.643,5 USD.
Chứng khoán Mỹ cũng chìm trong sắc đỏ sau một ngày tăng ngoạn mục. Tính đến 13h20 (theo giờ Mỹ), chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 0,97%, mất mốc 30.000 điểm. Chỉ số Nasdaq ghi nhận mức giảm 2,41% so với mức đóng cửa phiên liền trước, còn chỉ số S&P 500 lao dốc 1,92%.
Sức mạnh của đồng USD cũng gây áp lực lớn lên thị trường kim loại quý. Ảnh: Kitco.com.
Ngoài ra, theo ông Moya, các hoạt động kinh tế của Mỹ có thể suy yếu nhưng không rơi tự do. Thay vào đó, áp lực từ phía Trung Quốc lên thị trường dầu toàn cầu sẽ lớn hơn.
Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - đang đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 mới sau kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc Bắc Kinh sẽ tiếp tục thắt chặt các biện pháp để đưa số ca nhiễm mới về 0, làm gián đoạn hoạt động kinh tế và đè nặng lên nhu cầu dầu.
Hôm 14/10, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cắt giảm dự báo đối với nhu cầu cầu trong năm nay và năm sau. Tổ chức này cảnh báo về một cuộc suy thoái tiềm ẩn của nền kinh tế toàn cầu.