Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 30/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu bất ngờ vọt lên hơn 105 USD /thùng, đánh dấu mức cao nhất trong vòng một tháng.
Tuy nhiên, tính đến 17h45, giá đã lao dốc xuống dưới 102 USD/thùng. Dù vậy, mỗi thùng dầu Brent vẫn tăng giá 10 USD so với mức thấp của tháng, được thiết lập vào ngày 17/8.
Trong khi đó, giá dầu WTI chuẩn Mỹ có lúc xuyên thủng ngưỡng 97 USD/thùng, đánh dấu mức cao nhất trong vòng một tháng qua.
Dù đã điều chỉnh giảm về hơn 95 USD/thùng, giá vẫn tăng hơn 10% so với mức thấp của tháng.
Tin xấu về phía cung
Nói với Zing, chuyên gia quốc tế giải thích những lo ngại về nguồn cung dầu toàn cầu một lần nữa tạo sức ép lớn lên thị trường. Tuy nhiên, giá không thể vọt lên mạnh mẽ vì nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
"Một điều mà mọi người đều phải thừa nhận là thị trường dầu sẽ tiếp tục bị thắt chặt", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Mỹ - nhận định với Zing.
"Giá dầu bật tăng do khủng hoảng chính trị ở Libya leo thang. Điều này có thể ảnh hưởng tới sản lượng dầu của nước này. Cùng với đó là khả năng OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) cắt giảm sản lượng", vị chuyên gia giải thích.
Thủ đô của Libya vừa trải qua một cuộc đụng độ đẫm máu nhất trong vòng 2 năm qua. Sự kiện khiến giới quan sát lo ngại rằng khủng hoảng chính trị ở Libya có thể leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang lớn.
Libya - quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất châu Phi - đã mắc kẹt trong cuộc xung đột kéo dài 11 năm kể từ sau cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo M.Gaddafi vào năm 2011. Xung đột khiến hoạt động của các đường ống dẫn dầu thô, nhà máy lọc dầu và cảng xuất khẩu của Libya thường xuyên bị gián đoạn.
Vào tháng 6, theo tiết lộ của Bộ Dầu mỏ Libya, sản lượng dầu của nước này có thời điểm rơi xuống 100.000 thùng/ngày, giảm mạnh từ mức 1,2 triệu thùng/ngày hồi năm ngoái.
Trong khi đó, OPEC+ cũng phát đi tín hiệu về việc cắt giảm sản lượng trong bối cảnh nguồn cung từ Iran có thể gia tăng nếu nước này đạt được thỏa thuận hạt nhân với phương Tây.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman kiêm Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho rằng "biến động và thanh khoản thấp" đã gửi đi tín hiệu sai lệch về tình trạng khan hiếm nguồn cung vật chất hiện tại.
Ông khẳng định với cơ chế hiện tại, OPEC+ "có sự cam kết, linh hoạt và công cụ để giải quyết mọi thách thức, kể cả giảm sản lượng bất cứ lúc nào".
Một số lực cản
"Giá dầu đang có xu hướng giảm, nhưng rủi ro từ phía cung vẫn là quá lớn", ông Moya nhận định. Theo ông, triển vọng u ám của các nền kinh tế lớn thậm chí có thể là cái cớ để OPEC+ giảm sản lượng.
"Ngay cả khi các hoạt động kinh tế tiếp tục suy yếu, những nền kinh tế lớn giảm tốc tăng trưởng, thị trường dầu vẫn đang ở trong tình trạng cung không theo kịp cầu", ông Moya lập luận.
Dù vậy, các thị trường hàng hóa vẫn chịu sức ép từ đà tăng trưởng của đồng USD, trong đó có dầu.
Chỉ số USD đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với những tiền tệ chủ chốt khác đang ở mức 108,44 điểm. Hôm qua, chỉ số DXY có lúc áp sát 109,5 điểm, mức cao nhất trong vòng 20 năm.
Mới đây, ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - khẳng định ngân hàng trung ương Mỹ sẽ "sử dụng các công cụ một cách triệt để" để đối phó với lạm phát vẫn đang ở mức cao nhất trong hơn 40 năm.
FED đã nâng lãi suất 2,25 điểm phần trăm trong năm nay, nhưng ông Powell khẳng định vẫn chưa thể "dừng hoặc tạm ngừng tăng lãi suất", ngay cả khi việc này có thể cản trở tăng trưởng kinh tế.