Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 17/8, giá dầu thô thế giới tiếp tục lao dốc mạnh. Giá dầu Brent có lúc trượt xuống dưới ngưỡng 92 USD /thùng, đánh dấu mức thấp nhất kể từ ngày 25/2, xóa sạch mức tăng do xung đột Nga - Ukraine.
Trong khi đó, dầu WTI chuẩn Mỹ được giao dịch quanh mức 87 USD /thùng, mức giá thấp nhất trong vòng hơn 6 tháng qua.
Theo giới quan sát, giá dầu lao dốc khi các nền kinh tế lớn tiếp tục phát đi tín hiệu đáng ngại. Trong khi đó, bước tiến trong việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran làm gia tăng hy vọng về việc cải thiện nguồn cung dầu toàn cầu.
Kỳ vọng về nguồn cung
"Sau 18 tháng đàm phán, việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đã đạt được tiến bộ. Trước đây, những cuộc đàm phán từng nhiều lần đi vào bế tắc. Nhưng lần này, dường như Iran đang sẵn sàng thảo luận về các điều khoản", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - bình luận với Zing.
Mới đây, Iran đã gửi văn bản phản hồi dự thảo thỏa thuận hạt nhân được Liên minh châu Âu (EU) đưa ra hôm 8/8. Theo đó, một thỏa thuận có thể được ký nếu phía Mỹ "có phản ứng thực tế và linh động".
Theo nguồn tin từ phía Iran, đề xuất từ EU "là có thể chấp nhận được" vì giúp trấn an Tehran trên nhiều phương diện.
Nếu Iran có thể ký thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, giá dầu thô thế giới có thể rơi xuống mức 80 USD /thùng
Chuyên gia tài chính Edward Moya
"Nếu Iran có thể ký thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, giá dầu thô thế giới có thể rơi xuống mức 80 USD /thùng", ông Moya dự báo.
Theo vị chuyên gia, khi các thỏa thuận hạt nhân được khôi phục, nguồn cung dầu thô từ Iran sẽ đổ vào thị trường và thu hẹp chênh lệch cung - cầu dầu toàn cầu.
Hôm 15/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani nhận định có cơ hội để khôi phục thỏa thuận Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) nếu "lằn ranh đỏ" của Tehran được tôn trọng.
Ông này khẳng định việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhắm vào Iran không chỉ mang lại lợi ích cho Tehran, mà còn giúp ích đối với những nền kinh tế và nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Kể từ khi Nga đổ quân vào Ukraine, các lệnh trừng phạt qua lại đã làm thu hẹp đáng kể nguồn cung dầu thô trên thị trường toàn cầu, đẩy giá tăng phi mã.
Tín hiệu đáng ngại của các nền kinh tế lớn
Ngoài ra, theo ông Moya, giá dầu cũng lao dốc do lo ngại về tình trạng giảm tốc tăng trưởng tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Theo số liệu vừa được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, trong tháng 7, chỉ số sản xuất công nghiệp của nước này đã tăng 3,8%, thấp hơn mức dự báo và tốc độ tăng của tháng 6.
Tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ và chỉ số đầu tư tài sản cố định cũng tăng thấp hơn kỳ vọng. Theo giới quan sát, sự suy yếu của hoạt động di chuyển, vận tải và sản xuất ở nước nhập khẩu dầu hàng đầu sẽ tác động đáng kể tới thị trường toàn cầu.
"Giá dầu sẽ khó phục hồi nếu đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục suy yếu", ông Moya nhận định.
Ông cũng chỉ ra sự chậm lại trong các hoạt động kinh tế tại Mỹ và Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Theo một cuộc khảo sát được công bố hôm 15/8, lĩnh vực sản xuất của New York đột ngột lao dốc mạnh trong tháng 8. Chỉ số đo lường hoạt động sản xuất tại khu vực đã ghi nhận mức giảm mạnh thứ 2, chỉ sau kỷ lục được thiết lập cách đây 2 năm, khi đại dịch tàn phá nền kinh tế.
Trong khi đó, triển vọng kinh tế của Đức đang ngày càng u ám do nguy cơ nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga giảm mạnh và giá năng lượng tăng cao.
Một thước đo của Viện ZEW, đo lường mức độ lạc quan của nhà đầu tư về nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã giảm từ âm 53,8 xuống âm 55,3, đánh dấu mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Khi các nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái, nhu cầu dầu toàn cầu có thể đi xuống, giúp cung đuổi kịp cầu và hạ nhiệt giá cả. "Đáng buồn thay, điều khiến giá dầu sụt giảm lại là một cuộc suy thoái", chuyên gia Moya nhận định.