Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 7/12, sau chuỗi giảm kéo dài 3 ngày, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu đã rơi xuống mức 78,395 USD/thùng, thấp nhất kể từ đầu năm.
Còn giá dầu WTI rơi một mạch xuống 73,7 USD/thùng, đánh dấu mức thấp nhất kể từ ngày 23/12/2021.
Thị trường dầu đã chịu áp lực nặng nề từ các cảnh báo của những ngân hàng lớn của Mỹ đối với nền kinh tế toàn cầu. Điều này đè nặng lên niềm tin và thay đổi khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.
Rơi xuống đáy một năm
"Đó là một đầu tuần biến động của thị trường dầu thô. Các nhà giao dịch vẫn đang phân tích những thông báo từ phía G7 và OPEC+, bức tranh kinh tế thế giới và tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - bình luận với Zing.
"Việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế chống dịch là không đủ để kéo giá dầu đi lên. Thị trường đã bị đè nặng bởi mức trần giá bán 60 USD/thùng đối với dầu Nga, và quyết định không cắt giảm sản lượng của OPEC+", vị chuyên gia giải thích.
Sau phiên họp hôm 4/12, OPEC+ đã quyết định giữ nguyên mục tiêu sản lượng hiện tại. Mục đích của nhóm là có thêm thời gian đánh giá thị trường dầu toàn cầu dưới tác động từ nhu cầu năng lượng ở Trung Quốc và nguồn cung của Nga.
Quyết định cuối cùng của OPEC+ khác với dự báo trước đó của nhiều chuyên gia. Họ cho rằng để duy trì giá dầu ở mức cao, nhóm này sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng.
Trước cuộc họp của OPEC+, G7 và Australia đã nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu của Nga được vận chuyển bằng đường biển, sau khi Liên minh châu Âu (EU) đạt được đồng thuận nội khối.
Mức giá trần này chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12 hoặc ngay sau đó. Các quốc gia cũng tuyên bố sẽ tính đến những động thái “bảo đảm tính hiệu quả của giá trần”, nhưng chưa công bố thêm thông tin.
Rủi ro suy thoái
Trong khi đó, các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã cảnh báo về một cuộc suy thoái. Ông Jamie Dimon - CEO JPMorgan Chase - cho rằng lạm phát cao sẽ đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng và đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái trong năm sau.
Đó là một đầu tuần biến động của thị trường dầu thô. Các nhà giao dịch vẫn đang phân tích những thông báo từ phía G7 và OPEC+, bức tranh kinh tế thế giới và tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc
Ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ)
Để kìm chế lạm phát, Fed buộc phải đánh đổi tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động. Nhưng trong tháng 11, tổng số việc làm phi nông nghiệp của Mỹ vẫn tăng 263.000 việc làm, vượt mức ước tính 200.000 việc làm của Dow Jones.
Thu nhập trung bình mỗi giờ của người Mỹ tăng 0,6% so với tháng trước, cao gấp đôi ước tính. CNBC nhận định đây là đòn giáng mạnh vào nỗ lực chống lạm phát của Fed, buộc cơ quan này phải tiếp tục tăng lãi suất mạnh tay.
Kể từ đầu năm đến nay, Fed tăng lãi suất tổng cộng 3,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Trong cuộc họp chính sách tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11, Fed đều tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.
Trong một cuộc khảo sát của Bank of America với các nhà quản lý quỹ vào tháng trước, 77% trong số những người được hỏi cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới, cao nhất kể từ sau đại dịch.