Giá dầu thế giới sáng nay (28/11) giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm ngoái do những thông tin bất lợi về tình hình Covid-19 ở Trung Quốc. Tuần này, giá dầu được dự báo có nhiều biến động, một mặt do ảnh hưởng của dịch bệnh ở Trung Quốc, mặt khác do cuộc họp sản lượng của liên minh OPEC+ và các biện pháp trừng phạt mới sắp được triển khai nhằm vào xuất khẩu dầu thô của Nga.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London và giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York đồng loạt giảm gần 3%. Giá dầu Brent có lúc giảm còn 81,16 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI có lúc giảm còn 73,86 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất của 2 loại dầu kể từ tháng 12/2021.
Thị trường dầu đang đương đầu với áp lực giảm mạnh từ tình trạng bùng dịch Covid-19 mạnh ở Trung Quốc. Số liệu từ Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc sáng 28/11 cho thấy ngày thứ 5 liên tiếp nước này ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục.
Trong vòng 24 giờ gần nhất, nước này có 40.052 ca nhiễm, phá vỡ kỷ lục cũ là 39.506 ca ghi nhận trong ngày trước đó. Những thành phố lớn như Quảng Châu và Trùng Khánh đang chật vật kiểm soát số ca nhiễm bằng cách tái áp các biện pháp phong toả nghiêm ngặt. Cuối tuần vừa rồi, ở một số địa phương của Trung Quốc gồm Thượng Hải và Bắc Kinh, người dân đã xuống đường phản đối phong toả - hãng tin Reuters cho biết.
Chính sách chống dịch Zero Covid của Trung Quốc phủ bóng lên triển vọng nhu cầu dầu, bởi nước này là quốc gia tiêu tiêu thụ dầu lớn thứ nhì thế giới, là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và là nước nhập khẩu nhiều dầu thô hơn bất kỳ nước nào khác.
Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng.
Vào ngày 4/12, tức ngày Chủ nhật tuần này, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, sẽ tiến hành cuộc họp sản lượng định kỳ. Tuần trước, tờ Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin nói rằng OPEC+ đang tính đến khả năng tăng sản lượng, nhưng sau đó, Saudi Arabia đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.
Ngay sau cuộc họp của OPEC+, vào ngày 5/12, lệnh cấm nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển chính thức có hiệu lực. Cùng ngày, nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) cũng chính thức triển khai trần giá đối với dầu thô Nga.
“Tất cả những yếu tố này đều có tầm quan trọng rất lớn đối với thị trường dầu, có thể khiến giá dầu biến động mạnh”, ông Michael Haigh - trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hoá cơ bản thuộc ngân hàng Societe Generale - nói với Wall Street Journal.
Ông Haigh cho rằng Nga sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển hướng tất cả số dầu mà EU từ chối mua, dẫn tới việc sản lượng dầu Nga có thể giảm 1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2023. Điều này có thể góp phần đẩy giá dầu thế giới tăng mạnh trong năm 2023 nếu nhu cầu của Trung Quốc tăng trở lại.
Về trần giá, Nga đã tuyên bố sẽ không tuân thủ, và phản ứng của Nga khi trần giá chính thức được thực thi cũng là một nhân tố khó lường.
“Chúng tôi đang triển khai theo định hướng từ lập trường của Tổng thống Vladimir Putin là Nga sẽ không cung cấp dầu thô và khí đốt cho những nước đưa ra trần giá và tham gia vào việc áp trần giá”, người phát ngôn Dmitry Peskov của điện Kremlin phát biểu hôm thứ Năm tuần trước.
Hiện tại, ở thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày dự kiến chính thức áp trần giá lên dầu Nga, các nước trong EU vẫn bất đồng về việc nên áp trần giá là bao nhiêu. Nguồn tin là các quan chức ngoại giao EU cho biết Ba Lan muốn áp một mức trần thấp để trừng phạt nền kinh tế Nga, trong khi các nước Hy Lạp, Malta và một số thành viên EU khác có đội tàu vận tải biển lớn lại muốn đưa ra trần giá cao, khoảng 70 USD/thùng.
Nếu trần giá được thiết lập ở mức thấp, nhiều khả năng Nga sẽ trả đũa bằng cách cắt giảm sản lượng khai thác dầu. Cách đó thậm chí có thể làm tăng doanh thu của Nga từ xuất khẩu dầu vì khiến cho giá dầu thế giới tăng lên. Còn nếu trần giá cao, trần giá sẽ không có tác dụng hạn chế doanh thu từ dầu của Nga.
Giới phân tích nói rằng trần giá 65-70 USD/thùng mà EU đang thảo luận sẽ chẳng có tác dụng gì vì thậm chí còn cao hơn cả mức giá hiện tại của dầu thô Urals Nga.