Theo Bloomberg, gia đình Walton là gia đình thừa kế “đế chế” bán lẻ khổng lồ Walmart của Mỹ và là gia tộc giàu nhất thế giới với tổng tài sản ròng 225 tỷ USD. Quỹ đầu tư của gia đình này, WIT LLC (viết tắt của Walton Investment Team) chủ yếu rót vốn vào các quỹ ETF có chi phí quản lý thấp.
Thời gian qua, WIT đã giảm cổ phần tại các quỹ ETF theo dõi chỉ số của các thị trường mới nổi, bao gồm cả chỉ số từ Vanguard và iShares. Bên cạnh đó, WIT cũng rút bớt đầu tư khỏi thị trường chứng khoán Mỹ.
Tính tới ngày 30/9, giá trị chứng khoán Mỹ mà WIT nắm giữ là khoảng 3,5 tỷ USD, tính tới ngày 30/9, giảm 535 triệu USD so với cuối quý 2 năm ngoái, theo một báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) ngày 14/11.
Ngược lại, công ty này tăng tỷ lệ nắm giữ tại quỹ ETF Vanguard đầu tư trái phiếu kho bạc Mỹ ngắn hạn và quỹ ETF thị trường phát triển Vanguard FTSE. Dù bị giảm bớt, quỹ ETF chỉ số thị trường mới nổi Vanguard FTSE hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục ETF của WIT với khoảng 1,1 tỷ USD vào cuối quý 3.
Năm nay, các thị trường mới nổi chứng kiến sự lao dốc mạnh. Chỉ số MSCI Emerging Markets hiện giảm 24% so với ngày 31/12/2021.
Trong tháng 10, các thị trường mới nổi ghi nhận dòng vốn chảy vào lớn thứ hai từ đầu năm nay với 9,2 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này không đủ bù đắp cho vốn chảy ra từ đầu năm đến nay. Trong 10 tháng, vốn ròng vào trái phiếu và cổ phiếu tại các thị trường mới nổi nói chung giảm 6,2 tỷ USD.
Trong đó, Trung Quốc đang chứng kiến làn sóng rút vốn ồ ạt của các nhà đầu tư nước ngoài, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF). Các danh mục đầu tư trái phiếu Trung Quốc bắt đầu bị rút vốn kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine hồi tháng 2, với 105,1 tỷ USD trong 9 tháng. Trong khi đó, các danh mục đầu tư chứng khoán Trung Quốc cũng mất 7,6 tỷ USD trong tháng 10, mức cao nhất kể từ tháng 3.
Theo các nhà đầu tư, nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi Trung Quốc là những quan ngại về căng thẳng địa chính trị, chính sách Zero Covid-19 của chính phủ đang khiến tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới chậm lại.
Các chỉ số chính của chứng khoán Trung Quốc năm nay đều giảm mạnh, trong đó chỉ số Shanghai Composite giảm 15%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 29% và đang trên đà có năm tồi tệ nhất từ năm 2008. Chỉ số China MSCI cũng đã giảm 35% từ đầu năm nay.