Vợ chồng chị Thu Hà (TP.HCM) đều yêu thích du lịch. Họ ngại tới địa điểm đông đúc mà chỉ thích đến nơi vắng vẻ, có cảnh đẹp thiên nhiên. Do đó, gia đình thường tự lái xe đi chơi để khám phá theo cách riêng.
Trước đây, trong chuyến du lịch Hàn Quốc, vợ chồng chị Hà thuê ôtô tự lái đi chơi. Hai người cảm thấy đây là hình thức thú vị và an toàn.
Hôm 6/6, sau khi 2 con vừa được nghỉ hè, chị Hà cùng ông xã quyết định thực hiện chuyến road trip dài ngày, xuyên biên giới đầu tiên.
“Ban đầu, khi vẽ thử lộ trình trên bản đồ, mình hơi ngại vì quãng đường xa. Đây là mơ ước ấp ủ từ lâu của chồng nên mình và các con chỉ tham gia với tư cách bạn đồng hành. Đi rồi mới thấy cảnh đẹp và nhiều điều hấp dẫn nên cả nhà bị cuốn theo. Dần dần, việc rong ruổi 6-8 tiếng/ngày trở nên bình thường. Hai bạn nhỏ cũng nhanh chóng thích nghi với việc ngồi trên xe đường dài, ăn, chơi, ngủ và ngắm cảnh”, chị kể với Zing.
Chuyến đi ngẫu hứng
Vợ chồng chị Hà đều là kiến trúc sư tự do nên có thể chủ động gác lại công việc và sắp xếp làm từ xa để dành thời gian cho chuyến đi.
Lộ trình được thực hiện ngẫu hứng, chia thành 5 chặng độc lập.
Trong đó, chặng đầu tiên (9 ngày) từ TP.HCM ra Hà Nội; chặng 2 (11 ngày) khám phá một số tỉnh Đông Bắc; chặng 3 (7 ngày) thăm một số tỉnh Tây Bắc; chặng 4 (4 ngày) trải nghiệm vùng đồng bằng Bắc Bộ; chặng 5 (14 ngày) qua Lào (Luang Prabang, Viêng Chăn, Kaysone Phomvihane, Pakse), Thái Lan (Mukdahan), Campuchia (Siem Reap, Phnom Penh) rồi trở lại TP.HCM.
Đi dọc chiều dài đất nước, chị Hà cảm nhận sự thay đổi về cảnh vật, khí hậu, kiến trúc, con người.
“Cả nhà vỡ òa khi lên tới đỉnh Mã Pì Lèng (Hà Giang), sửng sốt trước vẻ đẹp của thác Bản Giốc, suối Lênin (Cao Bằng), tự hào khi được đặt chân lên nóc nhà Đông Dương - Fansipan (Lào Cai), check-in tại điểm cực Bắc và cực Nam của Tổ quốc (cột cờ Lũng Cú, mũi Cà Mau), mãn nguyện khi tới thăm các di tích lịch sử mà trước giờ chỉ biết qua thơ ca, sách vở”, chị kể.
Không muốn lặp lại hành trình cũ, chiều về, vợ chồng chị Hà chọn cung đường xuyên Đông Dương để trở lại TP.HCM.
Trong đó, nước Lào gây ấn tượng với chị Hà bởi khí hậu mát mẻ, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và hoang sơ, những cung đường “không giới hạn tốc độ” đáng để dân mê phượt trải nghiệm. Đất nước Campuchia với nền văn hóa Angkor khiến chị ngưỡng mộ và đánh giá cao cách họ làm du lịch và bảo tồn di sản.
Tuy nhiên, không phải lúc nào chuyến đi cũng diễn ra thuận lợi.
Gia đình chị Hà trải qua một số thử thách như con gái lớn gặp tai nạn khi đạp xe ở Hội An, xe mắc kẹt giữa đêm tối khi đi từ Lai Châu về Điện Biên vì lở núi sạt đường, thủng lốp giữa rừng.
“Hay khi di chuyển ở miền Bắc Lào, 23h mà cả nhà vẫn còn đang phiêu du trên ‘sống lưng khủng long’ bốn bề chỉ có mây và núi, chạy xe trên đường đất đá sình lầy với vận tốc tối đa 15 km/h trong khi bản đồ chỉ còn 100 km nữa mới tới được thành phố”, chị nhớ lại.
Đôi lúc, chị Hà và ông xã tưởng chừng phải kết thúc sớm hành trình khi đang ở Lào thì giấy tờ xe gặp trục trặc, phải quay về Việt Nam để gia hạn. Tuy nhiên, quyết tâm không bỏ cuộc, họ tiếp tục hoàn thành lộ trình đã đặt ra. Nhờ vậy, cả nhà có thêm trải nghiệm thú vị là một ngày ở 3 quốc gia: ăn sáng ở Việt Nam (Hà Tĩnh), ăn trưa tại Lào (Kaysone), ăn tối ở Thái Lan (Mukdahan).
Theo chị Hà, ở Việt Nam, việc đi ngẫu hứng rất dễ vì các dịch vụ sẵn tiện. Nhiều khi, gần tới nơi chị mới chọn chỗ ăn và đặt khách sạn nghỉ. Tuy nhiên, khi sang Lào, gia đình chị phải căn thời gian đi chơi hợp lý để có thể kịp về tới thành phố gần nhất trong ngày do khoảng cách khá xa và dân cư thưa thớt.
Trên xe, chị Hà luôn tích trữ thực phẩm đủ để chống đói cho cả nhà trong 6-8 tiếng di chuyển liên tục. Vợ chồng chị cũng chuẩn bị lều bạt để có thể qua đêm ngoài trời trong trường hợp bất khả kháng.
“Xác định đây là chuyến đi hiếm có lần thứ 2 trong đời nên gia đình mình không đặt giới hạn ngân sách cho chuyến đi. Tuy nhiên, mình cũng chi tiêu vừa đủ theo nhu cầu. Ví như khách sạn, do di chuyển trên đường là chính, mình chỉ cần phòng nghỉ sạch sẽ là được, không cần yêu cầu cao như khi đi nghỉ dưỡng. Các nhà nghỉ tư nhân địa phương (guesthouse) ở nước ngoài giá khá mềm và chất lượng cũng ổn”, chị cho biết.
Cho con khám phá thiên nhiên
Chị Hà cho rằng nhiều bậc phụ huynh thường ngại đi du lịch cùng con vì nhiều lý do như mệt mỏi hơn hay các bé “mưa nắng thất thường”, không phải lúc nào cũng hợp tác.
Tuy nhiên, chị chấp nhận tất cả như một phần của việc du lịch. Người mẹ cũng hy vọng thông qua những chuyến đi sẽ truyền cho con phần nào niềm yêu thích thiên nhiên, khám phá những vùng đất mới.
Hiểu rằng “du lịch là sở thích của bố mẹ, không phải sự lựa chọn của con”, vợ chồng chị Hà luôn tôn trọng nhu cầu của con hài hòa với chuyến đi của cả nhà.
Tùy theo tâm trạng và sức khỏe của con, gia đình có thể chơi lâu hơn hoặc rút ngắn thời gian ở mỗi địa điểm.
“Nếu con thích đàn bò ven đường, mình sẽ dừng xe lại cho bé ngắm. Nếu con thích nghịch cát tắm sông, mình sẵn sàng nán lại chơi cùng con dù hôm đó tối muộn mới về tới khách sạn. Ngược lại, nếu con không thích địa điểm nào đó, ba mẹ sẽ nhanh chóng kết thúc việc tham quan. Mình luôn cố gắng giải thích với con là cả nhà có thể đi nhanh hay chậm nhưng sẽ không bao giờ bỏ cuộc giữa chừng”, chị nói.
Con gái lớn của chị Hà đang học tiểu học - độ tuổi bắt đầu làm quen với các kiến thức lịch sử, địa lý, văn học. Bé rất thích thú khi được đặt chân tới một số địa danh được học ở trường cũng như xem qua sách báo.
Trở về nhà vừa kịp bước vào năm học mới, 2 cô bé háo hức trở lại trường để kể cho thầy cô, bạn bè nghe về kỳ nghỉ hè đáng nhớ.
Với chị Hà, mỗi lần xê dịch đều khiến bản thân cảm thấy như được nạp thêm nguồn năng lượng tươi mới. Chị cho rằng khác với du lịch theo tour hay nghỉ dưỡng, road trip là trải nghiệm đặc biệt khi phải tự xoay xở trong mọi tình huống, khám phá vùng đất mới theo cách nhìn riêng. Chính điều đó làm nên sự thú vị.
“Khép lại một hành trình, mơ ước tiếp theo của gia đình mình là có thể thực hiện chuyến road trip vòng quanh nước Mỹ trong thời gian tới. Cuộc sống có rất nhiều điều thú vị để trải nghiệm nên cứ dám nghĩ, dám mơ và không bỏ cuộc”, chị nói.