Giá đường trắng trên thị trường quốc tế ngày 3/4 đạt 634 USD/tấn, mức cao chưa từng có trong vòng 10 năm rưỡi; đường thô đạt 22,6 US cent/lb, cao nhất trong hơn 6 năm.
Có hàng loạt nguyên nhân thúc đẩy đường tăng giá, trong đó quan trọng nhất là triển vọng sản lượng giảm và giá năng lượng tăng.
Đường phải nhường nguyên liệu mía cho sản xuất ethanol
Chỉ trong vòng 2 tuần, giá dầu thô tăng gần 20%, dầu Brent từ gần 70 USD/thùng lên 85 USD/thùng, trong khi dầu WTI lên khoảng 80 USD/thùng.
Giá dầu cao có lợi cho giá ethanol và có thể khiến các nhà máy đường trên thế giới chuyển từ sản xuất mía – đường sang sản xuất mía – ethanol, làm cho nguồn cung đường bị hạn chế, trong bối cảnh làn sóng tăng cường sản xuất ethanol từ nông phẩm đang diễn ra ở nhiều quốc gia. Việc OPEC+ bất ngờ cắt giảm mục tiêu sản xuất dầu thô càng hỗ trợ xu hướng này.
Trên toàn câu, nhu cầu nhiên liệu sinh học sử dụng cho các phương tiện như xe tải và máy bay đang bùng nổ. Các chính phủ từ Mỹ cho đến Brazil, Indonesia Ấn Độ…đang tăng cường sử dụng năng lượng từ thực vật để hạn chế tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và cắt giảm khí thải nhà kính.
Chính phủ liên bang mới của Brazil đã chấm dứt chương trình miễn thuế đối với xăng, theo đó thiết lập một mức thuế cố định đối với xăng và ethanol khan, làm tăng nhu cầu đối với ethanol làm từ mía – chịu thuế thấp hơn xăng và tạo thêm động lực cho việc pha trộn nhiên liệu sinh học.
Về phí mình, trong thời gian qua, Chính phủ Ấn Độ đã nỗ lực biến lượng mía dư thừa được sử dụng để sản xuất xăng pha ethanol nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu thô để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Cầu tăng – cung trì trệ
Trong 50 năm qua, giá đường thô chỉ có 5 lần vượt ngưỡng 20 US cent/lb, trong đó lần gần đây nhất là vào năm 2016.
Thế giới đang trên bờ vực không thể sản xuất đủ đường. Tiêu thụ đường toàn cầu hiện đã bắt kịp mức sản xuất, đạt 175 triệu tấn mỗi năm.
Ngoài việc đường phải nhường nguyên liệu mía cho sản xuất ethanol, thiệt hại về mùa màng và thời tiết bất lợi ở Thái Lan và Ấn Độ cùng một số nhà sản xuất lớn khác đang gây áp lực lên các dự báo về sản lượng.
Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và Liên minh châu Âu trong những tuần gần đây đã hạ triển vọng sản xuất đường của mình. Thời tiết xấu trước đây đã dẫn đến vụ thu hoạch kém hơn dự kiến ở Brazil và Trung Quốc.
Hãng phân tích Green Pool dự báo thâm hụt đường toàn cầu niên vụ 2023/24 sẽ lên tới 1,01 triệu tấn, chấm dứt chuỗi 3 năm dư thừa liên tiếp. Lý do bởi sản lượng toàn cầu dự báo sẽ giảm, đặc biệt là ở Ấn Độ, Pakistan và Liên minh châu Âu. Trong khi đó, lượng tiêu thụ được dự báo sẽ tăng, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với mùa trước.
Green Pool dự đoán rằng sản lượng toàn cầu sẽ giảm nhẹ xuống 192,8 triệu tấn, so với 193,2 triệu tấn của niên vụ trước, chấm dứt xu hướng tăng sau một vụ mùa kém trong niên vụ 2019/2020. Tiêu thụ đường toàn cầu được dự báo sẽ tăng 1,24% lên 192,8 triệu tấn, thể hiện sự chậm lại chút ít so với mức tăng trưởng 1,36% của mùa trước.
Ấn Độ - quốc gia sản xuất lớn thứ 2 thế giới - dự kiến sẽ ghi nhận mức giảm mạnh nhất với mức giảm 2,3 triệu tấn xuống 34,5 triệu tấn trong niên vụ 2023/24. Trong khi đó, Hiệp hội các nhà máy sản xuất đường tại Ấn Độ (ISMA) dự đoán sản lượng đường trong niên vụ 2022/23 giảm 7% so với kỳ vọng trước đó, xuống còn 34 triệu tấn do ảnh hưởng tiêu cực từ lũ lụt hoặc hạn hán vào năm ngoái khiến hoạt động sản xuất gián đoạn. Bất chấp thách thức này, chính phủ Ấn Độ đã nỗ lực tăng cường sử dụng mía để sản xuất xăng pha ethanol nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu thô để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Vào tháng 2/2023, Ấn Độ thông báo sẽ ngừng xuất khẩu đường mới để bảo vệ nguồn cung trong nước.
Sản lượng của Pakistan dự báo sẽ giảm ngay từ niên vụ 2022/23 xuống còn khoảng 6,6 triệu tấn, giảm 15% so với niên vụ trước.
Tại Liên minh châu Âu (EU), sản xuất đường là một trong những ngành sử dụng nhiều năng lượng nhất và đặc biệt phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt. Vào tháng 10 năm ngoái, giá đường ở EU cao kỷ lục gần gấp ba lần so với một năm trước đó do thời tiết khắc nghiệt và chi phí năng lượng tăng cao khiến sản lượng đường ở EU giảm. Hiệp hội các nhà sản xuất đường châu Âu hôm 8/12/2022 dự báo rằng sản lượng đường niên vụ 2022/23 của EU giảm -7% so với cùng kỳ xuống 15,5 triệu tấn. Nông dân trồng củ cải đường ở châu Âu có vụ thu hoạch kém, hạn hán nghiêm trọng đã cắt giảm 7% vụ mùa năm 2022 của Pháp. Người trồng của cải đường ở nước này được cho là đã bị ngăn cản bởi lệnh cấm của EU đối với thuốc trừ sâu neonicotinoid.
Sản lượng đường tại Trung Quốc, một trong những nước tiêu thụ chất tạo ngọt lớn nhất thế giới, được cho là giảm xuống 9 triệu tấn trong niên vụ 2022/23 (tháng 10-tháng 9), thấp hơn nửa triệu tấn so với niên vụ 2022/23 và là mức thấp nhất trong 7 năm qua. Czarnikow cho biết do mất mùa nên thâm hụt nguồn cung trong nước ở Trung Quốc sẽ tăng lên 6,5 triệu tấn, mức cao thứ hai từ trước đến nay. Hãng phân tích này cho biết Trung Quốc sẽ phải tăng cường nhập khẩu đường thô và đường lỏng để cân bằng nguồn cung trong nước, đặc biệt là do tiêu dùng tăng sau khi các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 kết thúc. Czarnikow ước tính Trung Quốc sẽ nhập khẩu 5,4 triệu tấn đường trong năm 2022/23.
May mắn là sản lượng ở giảm ở những nước cung cấp chủ chốt sẽ được bù đắp một phần bởi sản lượng ở Trung-Nam Brazil tăng từ 33,65 triệu tấn lên 35,8 triệu tấn năm 2023/24.
Brazil dự kiến sẽ sản xuất 40,3 triệu tấn đường trong niên vụ mới bắt đầu vào tháng 4, mức cao thứ hai được ghi nhận, do thời tiết thuận lợi và các nhà máy được huy động vốn tốt để cung cấp cho cây trồng chăm sóc đầy đủ.
Sản lượng đường của Brazil đặc biệt quan trọng đối với thị trường đường toàn cầu trong năm nay do có vấn đề ở một số nhà sản xuất khác như Ấn Độ, Trung Quốc và EU. Mức sản xuất tốt ở Brazil sẽ ngăn chặn sự thiếu hụt lớn trong nguồn cung chất ngọt toàn cầu.
Mặt khác, nguyên liệu sản xuất đường là những cây trồng không dài ngày, đồng thời thị trường năng lượng cũng đang trong giai đoạn biến động mạnh, do đó thị trường đường cũng sẽ tiếp tục có những biến động đột ngột, không loại trừ giá giảm nhanh trở lại.