Theo dữ liệu của Trading Economics, ngày 5/9, giá euro có thời điểm mất mốc 0,99 USD đổi 1 euro. Giá rơi xuống 0,988 USD đổi 1 euro, rồi phục hồi nhẹ về 0,991 USD đổi 1 euro.
Như vậy, đồng euro đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm so với đồng bạc xanh. Nói với Zing, các chuyên gia quốc tế cho rằng động thái mới nhất từ phía Nga khiến triển vọng kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu xấu đi đáng kể.
Triển vọng kinh tế u ám
"Cái lạnh của mùa thu đang phả vào nền kinh tế châu Âu. Đồng euro giảm xuống dưới ngưỡng 0,99 USD và các thị trường chứng khoán lao dốc sau khi Nga đóng cửa đường ống dẫn khí sang châu Âu vô thời hạn", ông Neil Wilson - Trưởng bộ phận Phân tích thị trường tại Markets.com - giải thích với Zing.
"Tỷ giá quy đổi euro/USD rơi xuống mức 0,98 lần đầu tiên sau 20 năm. Điều này nhấn mạnh những thách thức mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang phải đối mặt", vị chuyên gia nói thêm.
Hôm 3/9, tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom đã hoãn mở lại đường ống Nord Stream 1 do phát hiện lỗi trong quá trình bảo trì. Đáng nói, tập đoàn này không công bố thời hạn tái khởi động.
Đồng euro giảm xuống dưới ngưỡng 0,99 USD và các thị trường chứng khoán lao dốc sau khi Nga đóng cửa đường ống dẫn khí sang châu Âu vô thời hạn
Ông Neil Wilson - Trưởng bộ phận Phân tích thị trường tại Markets.com
Gazprom cho biết không thể khởi động lại dòng chảy một cách an toàn cho đến khi khắc phục sự cố rò rỉ dầu trong một tuabin quan trọng.
Tuần trước, dòng chảy khí đốt từ Nga sang các quốc gia châu Âu đã bị ngưng tạm thời để bảo trì. Theo kế hoạch, Nord Stream 1 sẽ được hoạt động trở lại vào ngày 3/9.
Đầu phiên giao dịch ngày 5/9, chỉ số toàn châu Âu Stoxx 600 lao dốc 1,3%, trong khi chỉ số FTSE 100 sụt giảm 0,86%.
"Các thị trường chứng khoán châu Âu đỏ lửa trong phiên giao dịch đầu tuần sau thông báo của Gazprom hôm 3/9. Động thái của Moscow đã đè nặng lên khu vực", ông Craig Erlam - chuyên gia tài chính có trụ sở ở London - trả lời Zing.
"Việc Nord Stream 1 bị ngưng hoạt động vô thời hạn khiến tương lai của khu vực đồng tiền chung euro trở nên bấp bênh, nhất là khi mùa đông sắp đến", ông Erlam nói thêm. Đây cũng là lý do sức mạnh của đồng euro giảm mạnh so với đồng USD.
Giá USD lập đỉnh
Đồng quan điểm, ông Brian Martin - Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế G3 tại ANZ - cho rằng nhiệm vụ của ECB trở nên phức tạp khi nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn. Nói với Financial Times, ông cảnh báo động thái từ phía Moscow sẽ làm gia tăng rủi ro lạm phát và cản trở đà tăng trưởng kinh tế.
Động thái của Gazprom diễn ra chỉ vài giờ sau khi các nước G7 nhất trí về kế hoạch ấn định mức giá trần đối với dầu của Nga. Động thái này nhằm gây áp lực kinh tế lên Moscow để phản đối cuộc chiến ở Ukraine.
Trong khi đó, chỉ số USD đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ chủ chốt khác đã tăng lên 109,9 điểm, mức cao nhất trong vòng 20 năm.
Sức mạnh của đồng USD tăng lên khi giới đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách diễn ra trong tháng 9.
FED đã nâng lãi suất 2,25 điểm phần trăm trong năm nay, nhưng trong bài phát biểu mới đây, Chủ tịch FED Jerome Powell khẳng định vẫn chưa thể "dừng hoặc tạm ngừng tăng lãi suất", ngay cả khi việc này có thể cản trở tăng trưởng kinh tế.
Lãi suất tiếp tục tăng cao sẽ tạo sức ép lên các khoản đầu tư rủi ro. "Tâm lý e ngại rủi ro đang bao trùm Phố Wall. Điều này đưa đồng bạc xanh lên mức cao kỷ lục mới", chuyên gia tài chính Edward Moya (có trụ sở ở Mỹ) nhận định với Zing.
Theo ông, trong môi trường bất ổn của kinh tế toàn cầu, dòng tiền cũng đổ vào đồng bạc xanh như một kênh trú ẩn an toàn.