Tính đến 18h15 ngày 23/8, giá euro đang ở mức 0,9924 USD đổi một euro, giảm hơn 3% so với 24 giờ trước đó. Đây cũng là mức thấp nhất từng được ghi nhận kể từ năm 2002.
Nói với Zing, các chuyên gia quốc tế nhận định nguy cơ suy thoái kinh tế của khu vực đồng tiền chung euro đã tạo sức ép lớn lên giá euro. Trong khi đó, sức mạnh của đồng USD cũng đi lên do khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục nâng lãi suất.
"Đồng tiền chung khu vực lao dốc mạnh khi nguy cơ suy thoái kinh tế của châu Âu ngày càng phình to", ông Edward Moya - chuyên gia tài chính tại hãng tư vấn Americas Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - nói với Zing.
Hoạt động kinh tế suy yếu
Theo số liệu được S&P Global tổng hợp, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của khu vực đồng euro đã giảm từ 49,9 trong tháng 7 xuống 49,2 vào tháng 8. Các hoạt động kinh tế được coi là suy yếu khi PMI ở dưới ngưỡng 50.
"Số liệu PMI mới nhất của khu vực đồng euro cho thấy các hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục suy yếu trong quý III", ông Andrew Harker - Giám đốc kinh tế tại S&P Global - nhận định.
Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng có khả năng đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Giá nhiên liệu tăng cao do tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng từ Nga. Trong khi đó, đợt nắng nóng kỷ lục cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của hộ gia đình và doanh nghiệp.
Số liệu PMI mới nhất của khu vực đồng euro cho thấy các hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục suy yếu trong quý III
Ông Andrew Harker - Giám đốc kinh tế tại S&P Global
Thời tiết nóng, khô và oi bức còn tạo ra nhiều vấn đề khác. Các nhà máy hạt nhân ở Pháp không đủ nước để làm mát. Mực nước của hồ thủy điện, nhất là tại Na Uy, cũng rơi xuống mức thấp. Nhiều tàu chở hàng hóa, nguyên liệu, nhiên liệu của Đức hoạt động cầm chừng vì sông cạn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động vận tải và sản xuất.
Những ngày qua, giá khí đốt tự nhiên tăng vọt sau khi công ty khí đốt quốc doanh Nga Gazprom tuyên bố dừng cung cấp khí đốt qua tuyến đường ống chính Nord Stream 1 trong vòng 3 ngày.
Động thái đột ngột của Gazprom làm dấy lên lo ngại về việc Moscow chặn hoàn toàn nguồn cung khí đốt sang châu Âu. Châu lục này cũng đang chật vật lấp đầy các kho dự trữ khí đốt trước mùa đông.
Giới quan sát tin rằng đây vẫn chưa phải mức đáy của đồng euro. Ông Luis Costa - Trưởng bộ phận Chiến lược CEEMEA tại Citi - dự báo đồng euro sẽ tiếp tục mất giá trong tương lai.
Theo vị chuyên gia, nguyên nhân là giá khí đốt tự nhiên tăng vọt, lạm phát đè nặng lên nền kinh tế châu Âu, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại và ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine.
Giá USD đi lên
Trong khi đó, giá USD vẫn đi lên khi giới đầu tư chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell tại hội nghị thường niên Jackson Hole.
Chỉ số USD, đo sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ chủ chốt khác, đang ở mức 109,25, áp sát đỉnh 20 năm 109,29 đạt được vào giữa tháng 7.
"Một số yếu tố thúc đẩy đồng USD, nhưng động lực chính của đà tăng là lạm phát tại Mỹ và những động thái tiếp theo của FED. Hiện tại, lạm phát là trung tâm của vấn đề. Bởi nó buộc FED phải hành động quyết liệt hơn", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - nói với Zing.
Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 4 lần trong năm nay với tổng mức tăng là 2,25 điểm phần trăm. Cuối tháng 7, FED nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, một động thái tương tự hồi tháng 6 và đánh dấu mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1994.
Lạm phát của Mỹ đã hạ nhiệt trong tháng 7. Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo ngân hàng trung ương Mỹ vẫn có thể hành động mạnh tay để đưa lạm phát về mức mục tiêu.