Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành nông nghiệp vừa công bố, Chứng khoán VnDirect kỳ vọng 2023 sẽ là một năm thuận lợi cho ngành lúa gạo nhờ giá gạo tăng do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo.
Nhu cầu nhập khẩu tiếp tục tăng do điều kiện thời tiết không thuận lợi tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Hiện Philippines là khách hàng nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Nguồn cung trong nước của Philippines đang ở mức thấp do tồn kho cho năm 2023 khá thấp và sản lượng gạo được dự báo sẽ giảm do thiệt hại mùa màng từ hậu quả của cơn bão Noru.
Thời tiết khắc nghiệt gần đây ở các nước xuất khẩu gạo lớn tại châu Á (thiếu mưa ở Ấn Độ, hạn hán ở Trung Quốc và lũ lụt ở Bangladesh) có thể ảnh hưởng đến triển vọng sản xuất trong niên vụ 2022-23.
Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ đang tăng lên. Do sản lượng trong nước giảm, nhập khẩu gạo của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục 6 triệu tấn trong giai đoạn 2022/23, theo USDA. Bên cạnh đó, sự gia tăng bảo hộ mậu dịch của các nước trên thế giới nhằm đảm bảo an ninh lương thực từ khi những tranh chấp địa chính trị gần đây.
Trong bối cảnh nguồn cung giảm trong khi nhu cầu ổn định, gạo thế giới và gạo xuất khẩu Việt Nam sẽ còn tiềm năng tăng giá trong 2023.
Theo quan điểm của VnDirect, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước sẽ được hưởng lợi từ việc giá gạo tăng. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Giá gạo Ấn Độ đang có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn, từ đó thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam.
LTG sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ xuất khẩu gạo nhờ là một trong những nhà phân phối gạo đến cả hai thị trường trọng yếu trong thời điểm này là Châu Âu và Trung Quốc.
Trong khi đó, TAR sẽ được hưởng lợi từ việc sản lượng tại Trung Quốc giảmvà Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo do hạn hán. Kinh doanh gạo là mảng kinh doanh chính của TAR với tỷ trọng xuất khẩu chiếm gần 15% tổng doanh thu. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của doanh nghiệp này với tỷ trọng lên tới 27% tổng doanh thu xuất khẩu.
Đồng USD mạnh lên đã gây áp lực khiến tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng lên mức cao nhất trong lịch sử. Theo quan điểm của Vndirect, tỷ giá tăng sẽ có những tác động trái chiều đối với các doanh nghiệp sản xuất. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể hưởng lợi từ giá xuất khẩu cao hơn.
Hầu hết các đơn hàng xuất khẩu đều được thanh toán bằng đồng USD, do đó biến động tỷ giá USD sẽ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cải thiện biên lợi nhuận gộp. Đặc thù của ngành gạo là đơn hàng ký kết theo tháng, do đó với những doanh nghiệp nào đã giao hàng rồi sẽ được lợi khi giá USD tăng.
Tuy nhiên, đối với những đơn hàng chưa giao thì khách hàng sẽ e ngại, vì tránh tác động USD tăng họ sẽ cân nhắc trong việc thu mua lúa gạo ở giai đoạn khác. Bên cạnh đó, LTG đang có khoản nợ ngắn hạn 69 triệu USD (chiếm 49,5% tổng nợ ngắn hạn). Do đó, chi phí tài chính của LTG sẽ tăng trong bối cảnh tỷ giá hối đoái tăng.