Giá gạo trên thị trường thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong khoảng 12 năm trở lại đây, sau khi Ấn Độ đưa ra lệnh hạn chế xuất khẩu và điều kiện thời tiết bất lợi gây suy giảm sản lượng gạo ở châu Á. Hãng tin CNBC nhận định rằng một “cơn bão hoàn hảo” có thể đang hình thành ở khu vực này bởi sự leo thang giá cả của loại lương thực chủ đạo.
“Diễn biến giá gạo toàn cầu đang gây lo ngại đặc biệt. Rõ ràng là biến động giá lương thực này sẽ tiếp diễn trong những tháng sắp tới”, Giám đốc cấp cao Qingfeng Zhang của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nói với CNBC.
Ngoài Ấn Độ, lạm phát giá lương thực ở các nền kinh tế khác của châu Á từ đầu năm đến nay khá ổn định. Tuy nhiên, đang có nhiều yếu tố dẫn tới lo ngại rằng tình trạng khan hiếm gạo có thể mở đường cho sự tăng giá trở lại trên diện rộng của các loại hàng hoá lương thực khác trên thị trường khu vực. Trong số này phải kể tới các hiện tượng thời tiết cực đoan do nóng lên toàn cầu, cùng với sự trở lại của El Nino sau 7 năm, việc Nga rút khỏi sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, và chủ nghĩa bảo hộ lương thực đang trỗi dậy dưới dạng các biện pháp hạn chế thương mại.
Bi quan và lạc quan khi giá gạo tăng
Ở giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng lương thực 2010-2012, ADB ước tính rằng mức tăng 30% của giá lương thực thế giới trong năm 2021 đã dẫn tới mức tăng 10% của giá lương thực ở các nền kinh tế phát triển châu Á, đồng thời làm mất đi 0,6 điểm phần trăm trong tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của các nước phải nhập khẩu lương thực trong khu vực.
Trong một ước tính phản ánh sự bào mòn sức mua mà giá lương thực tăng cao có thể gây ra, ADB cho biết trong cuộc khủng hoảng đó, cứ 10% tăng thêm đối với giá lương thực ở các nước châu Á đang phát triển lại đẩy 64,4 triệu người vào cảnh nghèo, với ngưỡng nghèo là mức sống 1,25 USD/ngày. Điều đó đồng nghĩa với sự gia tăng của tỷ lệ nghèo từ 27% lên 29% trong cuộc khủng hoảng đó.
Nhưng có một điều chắc chắn là hầu hết các nước châu Á hiện nay đều có khả năng chống chọi với một cú sốc về nguồn cung gạo.
“Giá gạo đã tăng mạnh, dẫn tới sự cảnh báo và cả những câu chuyện mọi người đổ xô mua gạo tích trữ. Nhưng nếu nhìn vào những con số về tổng cung và nhu cầu, các nước châu Á đều ở vào một vị thế tốt để vượt qua cú sốc cung-cầu trên thị trường gạo”, nhà kinh tế học Erica Tay của ngân hàng Maybank nhận định.
Bà Tay nhấn mạnh rằng một số nước châu Á như Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia đều là những nước xuất khẩu ròng gạo. Trung Quốc, thị trường gạo lớn nhất thế giới, chỉ nhập khẩu 1% cho nhu cầu trong nước, chủ yếu nhập từ Việt Nam và Myanmar, nên “bị ảnh hưởng rất ít” bởi sự gián đoạn nguồn cung từ Ấn Độ.
Ngoài ra, đợt tăng giá gạo này xảy ra vào thời điểm giá lương thực toàn cầu nhìn chung đang ở mức thấp. Chỉ số giá lương thực toàn cầu của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) đã giảm 23% từ mức đỉnh thiết lập vào tháng 3 năm ngoái, bà Tay lưu ý.
Nguồn cung gạo ở Trung Quốc đang bị đe doạ sau khi cảnh báo mưa lũ được nâng cấp ở ba tỉnh chiếm gần 1/4 sản lượng gạo toàn quốc. Tuy nhiên, theo bà Tay, lượng gạo dự trữ của Trung Quốc hiện có thể đáp ứng tối thiểu 8 tháng trong nhu cầu tiêu thụ hàng năm của nước này.
“Đây là một di sản của thời Covid. Các quốc gia nhận thấy rằng họ cần phải có sự chuẩn bị sẵn sàng để vượt qua được những gián đoạn như cú sốc thương mại hay cú sốc về nguồn cung nông sản. Họ đã học được bài học từ 3 năm qua, và do đó thiết lập dự trữ lớn”, bà Tay nói.
Nhưng vị chuyên gia cho rằng với các hình thái thời tiết của hiện tương El Nino có thể xảy ra trong thời gian tới, cụ thể là trong nửa sau của năm nay, “sự gián đoạn nguồn cung lương thực có thể xảy ra trên diện rộng hơn. Bà Tay nói rằng mối lo lớn nhất là không chỉ nguồn cung gạo bị ảnh hưởng mà sản lượng nông sản nói chung có nguy cơ suy giảm. “Một sự giảm sút như vậy có thể dẫn tới lạm phát giá tiêu dùng cao hơn”, bà nói.
Đối tượng nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất?
Trong một báo cáo hôm 3/8, ngân hàng Morgan Stanley nói rằng lượng tồn kho lương thực toàn cầu ở mức cao, nhất là tại khu vực châu Á, sẽ giúp giảm bớt ảnh hưởng kinh tế đối với người tiêu dùng từ sự biến động của sản lượng.
Morgan Stanley dự báo biến động do El Nino gây ra trước hết sẽ phản ánh qua lạm phát, tiếp đó mới đến cán cân thương mại của các nền kinh tế châu Á. Đó là bởi lương thực chiếm một tỷ trọng lớn hơn, từ 30-40%, trong rổ hàng hoá và dịch vụ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của hầu hết các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.
Không tính Australia, Ấn Độ và Thái Lan, hầu hết các nền kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương đều nhập khẩu ròng lương thực. Singapore và Hồng Kông phụ thuộc 100% vào gạo nhập khẩu. Theo ngân hàng Nomura, điều này khiến các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương dễ bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá gạo toàn cầu, dù ảnh hưởng đến số liệu lạm phát phải mất nhiều tháng mới được thể hiện rõ.
“Độ trễ sẽ có sự khác biệt tuỳ theo từng quốc gia, nhưng tính bình quân, chúng tôi nhận thấy có độ trễ 6 tháng giữa lạm phát giá lương thực toàn cầu và lạm phát giá lương thực ở châu Á”, báo cao hôm 11/8 của Nomura nhận định. Nhóm tác giả dự báo độ trễ có thể dao động từ 3 tháng ở Indonesia cho tới 9 tháng ở Hàn Quốc. Điều này có nghĩa là sự tăng giá goạ sẽ chỉ dẫn tới lạm phát giá lương thực ở châu Á vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Theo Nomura, Philippines chính là quốc gia “dễ tổn thương nhất” trước bất kỳ sự leo thang mạnh mẽ nào của giá lương thực, do nước này có tỷ trọng lớn của lương thực trong rổ hàng hoá tính CPI, ở mức 34,8%. Trong đó, riêng gạo đã chiếm 8,9% rổ hàng hoá.
Các hộ gia đình thu nhập thấp chắc chắn là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự leo thang của giá lương thực, cho dù họ sống ở các nước phát triển hay đang phát triển - theo nhà kinh tế trưởng Paul Hughes của công ty S&P Global. “Những hộ gia đình này thường phải tiêu một tỷ trọng lớn hơn trong thu nhập của họ vào lương thực. Khi giá lương thực tăng, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải cắt giảm chi tiêu cho những mặt hàng khác”, ông Hughes nói.