Năm 2022, xuất khẩu gạo phục hồi sau tác động của dịch COVID-19. Theo đó, Việt Nam đã xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo tăng 14% so với cùng kỳ trị giá 3,52 tỷ USD tăng 6,7% so với cùng kỳ, theo Tổng cục Hải quan. Theo ước tính của VnDirect, tổng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất gạo niêm yết đã tăng 8,5% so với cùng kỳ trong năm 2022.
Xuất khẩu gạo tiếp tục tăng về giá trị trong 3 tháng đầu năm 2023. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2023 tuy giảm 19,3% về khối lượng nhưng tăng 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Tính riêng trong tháng 3, xuất khẩu gạo ước đạt 900 nghìn tấn, trị giá 480 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2023 đạt 1,79 triệu tấn và 952 triệu USD, tăng tới 68,3% về lượng và tăng 67,6% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng 69,3% về lượng và 82,3% về trị giá.
Trong báo cáo triển vọng ngành gạo vừa cập nhật, VnDirect cho rằng nhu cầu gạo thế giới sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023 do những bất ổn về chính trị và kinh tế cùng với xung đột chưa được giải quyết giữa Nga và Ukraine, đẩy nhu cầu dự trữ gạo lên cao.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu vẫn đang ảnh hưởng đến nguồn cung gạo tại nhiều quốc gia, đặc biệt như Philippines (bão lũ) hay Trung Quốc (hạn hán). Năm 2023, do ảnh hưởng của hạn hán, sản lượng gạo của Trung Quốc được dự báo giảm hơn 3 triệu tấn so với năm 2022, xuống còn khoảng 145,5 triệu tấn. Đây là cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
Giá xuất khẩu gạo được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 do 1) nhu cầu dự trữ lương thực ở nhiều quốc gia tăng, 2) Ấn Độ chưa có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm hay bỏ áp thuế 20% xuất khẩu gạo trắng trong năm 2023 khi họ vẫn đang nỗ lực kiềm chế đà tăng giá gạo trong nước, 3) Việt Nam đang tập trung sản xuất gạo chất lượng cao để phù hợp với xu hướng tiêu dùng toàn cầu, và 4) nhiều vùng trồng lúa đã chuyển sang các loại cây trồng khác có lợi hơn, điều này có thể dẫn đến giảm sản lượng gạo trong năm 2023.
Tuy nhiên, gạo Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với gạo Thái Lan trong năm 2023. Theo Hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái Lan, xuất khẩu gạo của Thái Lan sang Philippines dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2023 do Việt Nam đang phải đối mặt với những hạn chế về năng lực xuất khẩu gạo.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích đất nông nghiệp sử dụng cho niên vụ 2022-2023 tại Việt Nam đã giảm 3% so với niên vụ trước, dẫn đến nguy cơ sản lượng lúa giảm 1% xuống 27 triệu tấn trong niên vụ 2023. Ngược lại, Thái Lan có thể sẽ có một mùa thu hoạch bội thu trong năm nay. Trong niên vụ 2022-2023, Thái Lan dự kiến sản xuất khoảng 20,2 triệu tấn gạo, tăng từ 19 triệu tấn của niên vụ trước.
Rủi ro ngành là việc Ấn Độ hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ gây áp lực cạnh tranh cho gạo Việt Nam và làm giảm giá gạo xuất khẩu. Đa dạng hóa cơ cấu cây trồng và xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa. Giá phân bón tăng cao ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, điều này cũng có thể dẫn đến giảm diện tích trồng lúa khi họ chuyển sang các loại cây trồng khác.
Trên cơ sở đó, VnDirect lựa chọn cổ phiếu LTG. LTG là doanh nghiệp dẫn đầu ngành thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng và gạo có thương hiệu. Xu hướng dịch chuyển sang sử dụng các sản phẩm hữu cơ, thuốc sinh học trong nông nghiệp sẽ tạo tiềm năng tăng trưởng cho mảng thuốc bảo vệ thực vật của LTG do công ty đã và đang tập trung vào phát triển các sản phẩm hữu cơ từ trước đó.
Tác động từ việc chấm dứt hợp đồng phân phối với Syngenta đã được phản ánh vào kết quả kinh doanh năm 2022 của LTG, do đó kỳ vọng công ty sẽ ghi nhận mức tăng trưởng ổn định từ năm 2023.
Mảng thực phẩm sẽ hưởng lợi từ nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như Philippine và Trung Quốc, giá gạo có xu hướng tăng ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu và người tiêu dùng tại các thành phố lớn đang có xu hướng chuyển sang tiêu thụ gạo có thương hiệu.