Ngày 30/6, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas thông báo điều chỉnh giảm giá mặt hàng này từ ngày mai (1/7). Đây là lần giảm thứ 3 liên tiếp từ đầu năm đến nay. Theo đó, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng tiếp tục giảm trung bình 7.000 đồng, loại 45 kg giảm 26.000 đồng/bình.
Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) thông báo từ ngày 1/7 giá bán gas Saigon Petro giảm 7.000 đồng/bình, giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng là 449.000 đồng/bình 12 kg.
Như vậy, đây là tháng thứ ba liên tiếp giá gas trong nước được điều chỉnh giảm. Tính chung mức giảm 3 tháng khoảng 69.000 đồng/bình 12 kg. Hiện, giá loại nhiên liệu này đã về mức tương đương thời điểm đầu năm 2022.
Nguyên nhân giảm do giá gas thế giới bình quân tháng 7 chốt hợp đồng ở mức 725 USD/tấn, giảm 25 USD/tấn, điều này dẫn đến giá gas bán lẻ cũng giảm theo tương ứng. Hiện, nguồn gas trong nước đang nhập khẩu khoảng 60% nên giá gas bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá gas thế giới.
Thời gian qua, giá xăng, dầu, gas tăng lên mức cao làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân, các ngành vận tải, sản xuất. Việc giá gas giảm liên tục góp phần làm giảm áp lực cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,37% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ tháng 7/2020 (3,39%).
Trong báo cáo trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng Việt Nam cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tăng. Điều này có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước. Các chuyên gia cho rằng cần có những biện pháp hỗ trợ tạm thời, bao gồm hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng.