Giá của các loại giấy in đều tăng. Ảnh: Wall street journal.
Năm 1974, giá giấy tăng cao đã khiến tờ New York Times đặt câu hỏi: "Chi phí giấy in báo tăng cao đang tác động đến hoạt động kinh doanh hơn bất kỳ yếu tố nào khác... Điều gì sẽ xảy ra khi nền kinh tế sản xuất báo chí xung đột với nhu cầu thông tin của công chúng?".
Nửa thế kỷ trôi qua và giá giấy lại đang ở mức cao, gia tăng áp lực lên các nhà xuất bản ở mọi nơi.
Các nước phương Tây rơi vào cùng tình cảnh
Đối với các nhà in Anh, giấy cho đến nay là nguồn chi phí lớn nhất, chiếm trung bình 37% cơ cấu chi phí. Trong đó, giấy in báo đã tăng nhanh hơn các loại giấy khác. Tính tới tháng 7 năm nay, loại giấy này đã tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Giấy in tạp chí và bìa carton tăng lần lượt là 16% và 20% trong cùng thời kỳ.
Tờ Press Gazette cũng đã dẫn kết quả hoạt động nửa đầu năm 2022 của công ty xuất bản khổng lồ Reach, Anh công bố hồi tháng 7 vừa qua. Theo đó, chi phí in báo của họ tăng 65% so với cùng kỳ năm trước, tăng 13,6 triệu bảng Anh.
Gannett, một công ty Mỹ sở hữu tờ USA Today và chuỗi báo địa phương Newsquest và Archant tại Vương quốc Anh, vào tháng 8 cũng ước tính họ đã mất thêm 23 triệu USD trong quý thứ 2 năm nay do lạm phát về giấy in và giá nhiên liệu.
Các nhà sản xuất giấy cũng liên tục tăng giá trong thời gian qua. Ảnh: iStock.
Hồi tháng 8 vừa qua, Reuters Berlin cũng đưa tin rằng giá giấy tại các nhà sản xuất Đức cũng tăng mạnh. Giá giấy từ nhà sản xuất đã tăng 37,2% trong năm qua. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ khi dữ liệu về giá giấy nước này được ghi nhận vào năm 1949. Giá giấy trong tháng 7 cũng đã tăng 5,3% - mức cao nhất từng được ghi nhận.
Công ty giấy Sappi Europe, có trụ sở chính tại Nam Phi và 10 nhà máy khắp châu Âu, hồi tháng 8 đã thông báo về việc tăng giá các sản phẩm của họ từ tháng 9, viện dẫn chi phí sản xuất tiếp tục tăng và sự biến động trong nguyên liệu, năng lượng và giao thông vận tải.
Sappi Europe đã tăng giá các loại giấy tráng phủ, không tráng phủ và giấy bìa cứng của mình lên 8%-10% kể từ ngày 12/9. Mức tăng mới nhất này theo sau mức tăng 10%-25% được đưa ra vào tháng 2.
Tại New Zealand, tập đoàn truyền thông Beacon Media Group đang vận hành 65 ấn bản in và họ đã phải chịu giá giấy in tăng 20%-30% từ đầu năm đến nay, cũng như phải tự lấy giấy trực tiếp từ cảng, theo trang RNZ.
Beacon hiện phải lấy giấy từ nhà máy giấy ở Australia và từ nhiều nguồn khác. Ông Aaron Buist, một đại diện của Baecon Media Group, nói: “Giá giấy từ Australia cao gần gấp đôi so với mức giá chúng tôi trả cho loại giấy thường mua trong nước”.
Đồng đôla Mỹ đang tăng mạnh cũng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn và ông Buist dự kiến giá giấy in sẽ tăng thêm 25%-35% vào giữa năm 2023.
Ông Tim Woods từ công ty tham vấn ngành giấy Industry Edge ở Victoria, Australia cho biết các đơn vị báo chí in tại nước này cũng đang chịu áp lực tương tự.
Ông Woods cho biết: “Giá của mọi loại giấy in ấn đã tăng vọt trong hơn 18 tháng qua”.
Nhà kinh tế chính của công ty tham vấn hàng đầu New Zealand Infometrics Brad Olsen nhận định: "Trên toàn cầu, các thị trường bột giấy đang ghi nhận mức giá cao kỷ lục. Các công ty lớn công bố tăng giá gần như hàng tuần".
Châu Á cũng gặp nhiều khó khăn
Ngành xuất bản châu Á cũng đang đối mặt với tình hình tương tự các đồng nghiệp châu Âu, châu Đại Dương khi giá giấy cao và đồng đôla Mỹ tăng mạnh khiến tình hình càng thêm khó khăn.
Tại Thái Lan, bà Teeranai Sottipinta từ Ủy ban điều hành Hiệp hội các nhà xuất bản và bán sách nước này (Pubat), gần đây chia sẻ với tờ Bangkok Post: "Chúng tôi dự đoán giá sách nói chung sẽ tăng 15% trong 4 tháng còn lại của năm nay do chi phí nhập khẩu giấy từ châu Âu đã tăng 30% vì đồng baht suy yếu”.
Vận chuyển giấy tại chợ đầu mối tại Bangladesh. Ảnh: Newage Bangladesh.
Ông Johirul Abedin Jewel đến từ Nhà xuất bản Ittadi Grantho Prokash tại Bangladesh thì cho biết chi phí cho nguyên liệu thô, bao gồm giấy, mực, bìa và bìa sách đã tăng khoảng 40%.
Tại chợ Chowdhury Nayabazar ở Bangladesh, ông Md Hiron Miah, chủ sở hữu của công ty Messrs Hiron cho biết giá một tấn giấy đã tăng lên 130.000 Tk (đơn vị tiền tệ Bangladesh) trong tháng 10 này, cao hơn hẳn mức 100.000 Tk vào tháng 7.
“Chúng tôi phải chọn lọc trong việc in và tái bản sách vì giá cả tăng cao đang khiến sách vượt quá tầm với của nhiều người”, ông Johirul Abedin Jewel chia sẻ.
Tại Ai Cập, giá nhập khẩu một tấn giấy đã lên tới 1.782 USD và đang gây ra khủng hoảng trên thị trường xuất bản nước này.
Ông Said Abdo, người đứng đầu Hiệp hội các nhà xuất bản Ai Cập kiêm Giám đốc của Dar Al-Maarf, nhà xuất bản lâu đời nhất ở nước này cho biết: “Các nhà xuất bản phải đối mặt với hoạt động ‘mafia’ của các nhà nhập khẩu giấy. Cứ mỗi giờ họ lại đưa ra giá bán khác nhau cho một tấn giấy”.
Trong bối cảnh hiện tại, làn sóng tăng giá giấy toàn cầu đang tạo ra nhiều khó khăn cho cả ngành xuất bản trong quá trình sản xuất và cả độc giả trong việc tiếp cận các tác phẩm văn học và tin tức báo chí in.