Đóng cửa tuần giao dịch vừa qua (20/06 -26/06), thị trường tiếp tục ghi nhận tuần giảm mạnh thứ 2 liên tiếp, thể hiện qua mức giảm 4,6% xuống chỉ còn 2.775 điểm của chỉ số MXV-Index (đo lường biến động của các mặt hàng nguyên liệu đang được giao dịch liên thông thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam ).
Chỉ số hàng hóa này đã tuột rất xa khỏi mốc 3.000 điểm, cho thấy chu kỳ tăng giá trước đó đã kết thúc. Trong số 31 mặt hàng đang giao dịch tại MXV, có đến 27 mặt hàng giảm giá với các mức giảm rất mạnh trong tuần trước. Giá trị giao dịch trung bình đạt 4.720 tỷ đồng mỗi phiên.
Đáng chú ý phải kể đến mức giảm mạnh nhất toàn thị trường trong tuần của giá thiếc trên sở LME, giảm tới 21% xuống còn 24.590 USD/tấn. Sau đó là giá bông và giá dầu cọ Malaysia, lần lượt giảm 17% và 14,5%.
Giá kim loại hướng đến quý sụt giảm mạnh nhất kể từ siêu khủng hoảng năm 2008
Bảng giá kim loại trải qua một tuần sụt giảm đáng nhớ khi tất cả các mặt hàng được liên thông với các Sở giao dịch quốc tế đồng loạt lao dốc trước lo ngại về suy thoái rình rập.
Giá thiếc trên Sở LME đã lao dốc 21% trong tuần, là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng những năm 1980, giảm hơn một nửa so với mức đỉnh hồi tháng 3.
Trên nhóm kim loại quý, giá bạc đóng cửa ở mức giá 21.125 USD/ounce, mức thấp nhất trong vòng 5 tuần sau khi đánh mất 2,14% giá trị. Trong khi đó, bạch kim ghi nhận tuần giảm thứ 3 liên tiếp sau khi giảm 2,85% xuống còn 903,7 USD/ounce. Nhóm kim loại quý cho thấy sự hoạt động yếu kém trước mối lo nền kinh tế tăng trưởng chậm lại sẽ ngăn cản nhu cầu sử dụng bạc và bạch kim trong hoạt động sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, đà giảm được củng cố khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tái khẳng định về cam kết sử dụng công cụ lãi suất nhằm đẩy lùi lạm phát, đồng thời thừa nhận khả năng suy thoái có thể xảy ra. Đồng Dollar Mỹ suy yếu nhẹ trong tuần vừa qua nhưng vẫn đang ở quanh mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ và mạnh hơn các đồng tiền thương mại khác, tiếp tục làm suy yếu vai trò trú ẩn của bạc và bạch kim.
Đáng kể nhất trên thị trường kim loại cơ bản là tuần lao dốc thứ 3 liên tiếp của đồng COMEX đã đưa giá đồng xuống mức thấp nhất trong vòng 16 tháng và đóng cửa sau khi đánh mất 6,8% xuống 3,74 USD/pound (8.246,38 USD/tấn). Là thước đo sức khoẻ của nền kinh tế, giá đồng sụt giảm mạnh mẽ trước lo ngại về sự suy yếu hoạt động công nghiệp ở các nền kinh tế lớn và nhu cầu sụt giảm tại thị trường tiêu thụ lớn nhất, Trung Quốc. Năng lực sản xuất tại các nền kinh tế đầu tàu cho thấy dấu hiệu chững lại khi doanh nghiệp đối diện với chi phí vay gia tăng. Chỉ số PMI tháng 6 của Mỹ đạt mức 52.4 điểm, mức thấp nhất trong vòng 2 năm nay. Việc Fed tăng lãi suất gây ra tâm lý bán tháo kim loại cơ bản do lo sợ về khả năng chấm dứt sự bùng nổ nhu cầu trong các lĩnh vực như bất động sản, sản xuất xe hơi và hàng hóa lâu bền.
Trong khi đó, chi phí vẫn đang ở mức cao khi các nhà sản xuất chịu sự kìm kẹp về mức lãi suất gia tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng đứt gãy. Điều này ép buộc các nhà sản xuất phải cắt giảm mua nguyên liệu thô, hạn chế thua lỗ và gây áp lực lên giá nguyên liệu đầu vào.
Cuộc thăm dò của hãng tin Reuters cho biết, sản lượng tại các nhà máy của Nhật Bản có thể giảm tiếp 0,3% sau mức giảm mạnh 1,3% vào hồi tháng 4. Phần lớn nguyên nhân là do thiếu linh kiện và chất bán dẫn từ phía Trung Quốc do tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Trong khi đó, các công tác kiểm soát dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn ra trong tháng 6 và khó có thể cho hoạt động sản xuất tại Nhật Bản, quốc gia tiêu thụ đồng lớn thứ 2 trên thế giới, một động lực phục hồi. Giá đồng liên tục chịu sức ép dưới những nền sản xuất đang trên đà suy yếu.
Về phía nguồn cung, cuộc đình công của các công nhân đồng đối với nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới, Chile đã đi đến hồi kết sau một cuộc đàm phán đi đến quyết định thành lập uỷ ban chung nhằm đánh giá tình trạng khu liên hợp luyện kim. Điều này đã gỡ bỏ nút thắt nguồn cung trong khi nhu cầu về đồng vẫn đang ở mức thấp, làm gia tăng áp lực với giá đồng.
Ngoài ra, mức tồn kho trên sở Thượng Hải tiếp tục giảm, hiện tại đang ở khoảng 15.000 tấn và vẫn chưa vượt mốc 30.000 tấn kể từ cuối tháng 4 đến nay. Tồn kho đồng trên ở LME cũng đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 4. Điều này phản ánh nhu cầu giao nhận hàng thực và tiêu thụ đang suy yếu và đà giảm của đồng nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn.
Mỹ cấm nhập khẩu hàng hóa đến từ Tân Cương gây sức ép lên giá bông
Bất chấp việc đồng Dollar có sự điều chỉnh sau 3 tuần tăng mạnh liên tiếp, lực bán vẫn duy trì với hầu hết các mặt hàng trong nhóm nguyên liệu công nghiệp. Trong đó tâm điểm chú ý là mức giảm rất mạnh của giá bông và dầu cọ thô.
Ngày 21/06, Cục Hải quan và biên phòng Mỹ bắt đầu thực thi "Đạo luật phòng chống lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ" mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thành luật vào tháng 12 năm ngoái. Theo đó, luật này giả định tất cả hàng hóa từ Tân Cương đều được sản xuất bằng lực lượng lao động cưỡng bức và do đó bị cấm nhập khẩu vào Mỹ. Hải quan Mỹ cũng cho biết hàng nhập khẩu từ các nước khác sẽ bị cấm nếu chuỗi cung ứng liên quan sử dụng các thành phần đầu vào bị cấm từ Tân Cương.
Trước hành động leo thang mới của Mỹ, Trung Quốc được dự báo sẽ có biện pháp trả đũa kiểu “ăn miếng trả miếng” nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của họ, và khiến cho giới đầu cơ bông trên toàn cầu đồng loạt tháo chạy khỏi mặt hàng này. Với mức giảm lên đến hơn 17% chỉ trong 1 tuần vừa rồi, đây là tuần suy yếu mạnh nhất của giá bông kể từ tháng 06/2011 đến nay. Hiện tại giá bông đã giảm về dưới mốc hỗ trợ tâm lý quan trọng 100 cents, lần đầu tiên kể từ khi vượt lên khỏi vùng này hồi tháng 09 năm ngoái.
Theo ngay sát diễn biến của giá bông là mức giảm lên đến gần 15% của giá dầu cọ Malaysia, đẩy giá về mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Tổng cộng sau 3 tuần giảm liên tiếp, giá dầu cọ thô kỳ hạn tháng 09 đã giảm đến 25%, khi nguồn cung từ Indonesia được nới lỏng. Kể từ khi lệnh cấm được dỡ bỏ, nước này đã thực hiện nhiều biện pháp để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu dầu cọ. Mới đây nhất, chủ tịch nhóm nông dân nhỏ của Indonesia (APKASINDO) đã yêu cầu chính phủ nước này hủy bỏ chương trình Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO) cũng như các quy định về thuế và giấy phép xuất khẩu dầu cọ.
Trên thị trường nội địa, theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, nhập khẩu bông nước ta từ 01/06 -15/06 của nước ta đạt 39 nghìn tấn, trị giá 115 triệu USD; giảm tới 48% về lượng nhưng chỉ giảm 22% về giá trị. Còn tính luỹ kế từ đầu năm, trong khi nhập khẩu vẫn giảm 22% về lượng, tổng kim ngạch tăng tới 14% do giá bông thế giới neo ở mức cao trong giai đoạn đầu năm.
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam, khác với giai đoạn trước, sự quan tâm của thị trường đã không còn chỉ tập trung vào nhóm năng lượng, mà đang phân bổ đều hơn tới các mặt hàng quan trọng khác, bao gồm cả nông sản, kim loại, và nguyên liệu công nghiệp. Dầu thô cũng không còn đóng vai trò dẫn dắt thị trường hàng hóa nói chung, mà mỗi mặt hàng đều đang bị tác động bởi các yếu tố cung – cầu của riêng mình, vì thế xu hướng giảm lần này của giá hàng hóa sẽ rất mạnh và có thể kéo dài. Trong tuần này, nhóm nông sản chắc chắn sẽ là tâm điểm của giới đầu tư trong nước với hai báo cáo cực kỳ quan trọng của Bộ nông nghiệp Mỹ vào 23h đêm thứ năm 30/06. Đó là báo cáo Diện tích gieo trồng mùa vụ 2022 và tồn kho ngũ cốc cuối quý. Hai báo cáo này thường sẽ tạo ra biến động rất mạnh, và thậm chí có thể tạo ra xu hướng mới trên thị trường.