Diễn biến giá kim loại đồng thế giới trong vòng 1 năm trở lại đây (Nguồn: tradingeconomics.com)
Trong tuần trước, giá hàng loạt kim loại công nghiệp quan trọng đã giảm mạnh khi thị trường lo ngại nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái kinh tế khi nhiều ngân hàng trung ương lớn cùng lúc nâng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm sẽ khiến nhu cầu sử dụng kim loại suy yếu.
Cụ thể, giá kim loại đồng đã giảm 6,5% trong tuần trước – xác lập tuần giảm giá mạnh nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. So với đỉnh giá lịch sử được thiết lập hồi tháng 3 năm nay, giá kim loại đồng hiện đã giảm 25%. Giá đồng, kim loại công nghiệp được sử dụng phổ biến hàng đầu thế giới, thường được xem là một chỉ báo phản ánh sức khoẻ của nền kinh tế toàn cầu.
Giá nickel cũng đã giảm 13% trong tuần vừa qua, chạm mức thấp nhất trrong vòng 5 tháng trở lại đây. Đồng thời, giá thiếc giảm 22% - xác lập tuần giảm giá mạnh nhất kể từ năm 2005. Nếu so với mức đỉnh lịch sử hồi tháng 3 vừa qua, giá kim loại thiếc hiện đã giảm hơn 50%. Giá nhôm cũng giảm 2%, giá kẽm giảm 5% và giá chì giảm 7% trong tuần trước.
Diễn biến giá kim loại thiếc thế giới trong vòng 1 năm trở lại đây (Nguồn: tradingeconomics.com)
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời chuyên gia phân tích độc lập Robin Bhar nhận định các kim loại công nghiệp còn đối mặt với nguy cơ giảm giá sâu hơn nữa khi rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng hiện hữu.
Đối với giá đồng, ông Robin Bhar nhận định giá kim loại này có thể giảm về xung quanh mức 7.000 – 7.500 USD/tấn, ngang bằng với giá vốn sản xuất phổ biến hiện nay. Giá kim loại đồng hiện đang được giao dịch quanh ngưỡng 8.100 USD/tấn. Tuy nhiên, ông Robin Bhar cũng nhấn mạnh tình trạng khan hiếm nguồn cung và nhu cầu ngày càng tăng đối với đồng trong quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ giúp giá kim loại này tăng lên trong dài hạn.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ ngày 22/6, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) ông Jerome Powell thừa nhận một cuộc suy thoái có thể xảy ra đối với Hoa Kỳ. Ông Jerome Powell cho biết việc đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới “hạ cánh mềm” khi FED siết chặt chính sách tiền tệ để đối phó với mức lạm phát cao kỷ lục trong hơn 40 năm qua là một thử thách rất khó khăn.
Hàng loạt ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế lớn như Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc, Canada… đã và đang có động thái nâng mạnh lãi suất cơ bản nhằm kiểm soát đà tăng vọt của giá các loại hàng hoá. Điều này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của các nước suy yếu.
Giá các kim loại công nghiệp còn chịu tác động tiêu cực từ việc tăng trưởng hoạt động sản xuất trên toàn cầu giảm tốc, chủ yếu do Trung Quốc kéo dài phong toả nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng việc tăng trưởng kinh tế giảm tốc và giá các loại hàng hoá, nguyên liệu thô như kim loại công nghiệp giảm xuống sẽ khiến áp lực lạm phát suy yếu, giúp các ngân hàng trung ương không phải đưa ra các biện pháp siết chặt hơn chính sách tiền tệ.
Đồng thời, nhiều nhà phân tích cảnh báo giá các kim loại công nghiệp sẽ có xu hướng tăng trong dài hạn khi nhu cầu sử dụng tăng lên nhưng các hãng khai khoáng lớn nhất thế giới giảm đầu tư vào mở rộng khai thác. Tạp chí The Wall Street Journal (Hoa Kỳ) cho biết tổng số vốn đầu tư cho các dự án khai thác trong năm nay và năm sau của 10 hãng khai khoáng hàng đầu thế giới chỉ đạt 40 tỷ USD. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức 80 tỷ USD trong năm 2012.