Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2022, ngành chăn nuôi phải đối mặt với không ít khó khăn khi nguồn thức ăn và con giống phụ thuộc vào nhập khẩu, chưa kể những hạn chế trong hoạt động giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi cũng như việc kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định thị trường. Năm 2022, tăng trưởng sản xuất của ngành chăn nuôi khoảng 5 - 6%, sản lượng thịt các loại ước đạt 6,98 triệu tấn. Trong đó thịt heo là 4,3 triệu tấn, thịt gia cầm trên 2 triệu tấn...
Giá heo hơi duy trì ổn định trong nửa đầu năm 2022, ở mức trung bình 55.000 đồng/kg, sau đó tăng đáng kể trong tháng 7 và tháng 8/2022 và đạt mức cao nhất là 75.000 đồng/kg.
Tuy nhiên mức giá này chỉ duy trì trong một thời gian ngắn, sau đó giá giảm trở lại. Giá thịt heo hơi giảm khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Trong tháng 12/2022, giá heo hơi trên cả nước tiếp tục xu hướng giảm, hiện giá heo hơi trên cả nước dao động trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg, giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 11/2022.
Tới cuối năm 2022, giá heo hơi đã có dấu hiệu chững lại, không còn giảm thêm nữa. Điều này cho thấy, thị trường đang có sự điều tiết chờ tín hiệu để điều chỉnh tăng giá trở lại từ dịp Tết Dương lịch nhờ nhu cầu tăng lên. Dự báo, giá heo hơi tăng trở lại nhưng mức tăng sẽ không đột biến như dịp Tết của các năm trước.
Liên quan tới giá heo hơi, tại cuộc họp báo thông tin về Kết quả công tác năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng ngày 30/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, để tháo gỡ khó khăn của ngành chăn nuôi heo, Bộ đã tổ chức hội nghị về phát triển chăn nuôi trong tình hình mới.
Tuy nhiên, nguyên nhân khiến giá heo hơi ở mức thấp là do những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh suy giảm đơn hàng, dẫn tới phải giãn việc, cắt giảm nhân sự. Điều này tác động tiêu cực tới sức tiêu thụ sản phẩm thịt heo trong nước.
Bên cạnh đó, khoảng cách giá từ nông trại đến bàn ăn là rất lớn khiến người chăn nuôi thua lỗ khi giá xuống thấp, trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua sản phẩm với giá cao.
Để phát triển ngành chăn nuôi heo trong thời gian tới, ông Phùng Đức Tiến cho rằng cần phải đẩy mạnh chế biến sâu gắn với chuỗi giá trị, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm thịt heo. 'Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã xuất khẩu được sản phẩm heo mảnh đi Hàn Quốc, heo sữa xuất đi Hồng Kông... Đây là hướng đi hiệu quả cần đẩy mạnh thêm', ông Phùng Đức Tiến chia sẻ.