Tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi hôm nay tại các địa phương không ghi nhận biến động mới so với hôm qua và dao động trong khoảng từ 65.000 - 70.000 đồng/kg. Mức giá cao nhất 70.000 đồng/kg tiếp tục được ghi nhận tại Thái Bình, Hưng Yên. Thấp hơn hai giá, tại Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và TP Hà Nội tiếp tục thu mua heo hơi ở mức 68.000 đồng/kg. Nam Định, Ninh Bình giá thu mua heo hơi đang ở mức 66.000 đồng/kg còn tại và Thái Nguyên ở mức 67.000 đồng/kg. Thương lái ba tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Hà Nam hiện giao dịch ở mốc thấp nhất khu vực là 65.000 đồng.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá heo hơi hôm nay đồng loạt đứng yên tại nhiều tỉnh thành và dao động trong khoảng 63.000 - 70.000 đồng/kg. Trong đó, Ninh Thuận và Bình Thuận chứng kiến mốc giá cao nhất khu vực là 70.000 đồng/kg. Các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hòa cùng duy trì thu mua ở mức 67.000 đồng/kg. Mốc giao dịch thấp nhất khu vực là 63.000 đồng/kg, có mặt tại tỉnh Đắk Lắk.
Cùng chung xu hướng thị trường với khu vực miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên, giá heo hơi tại khu vực miền Nam hôm nay đi ngang tại nhiều tỉnh thành và dao động trong khoảng 62.000 - 70.000 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Hậu Giang hiện thu mua heo hơi với giá 62.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Đây cũng là mức giá thấp nhất cả nước. Mức giá cao nhất khu vực là 70.000 đồng/kg, ghi nhận tại hai tỉnh Tây Ninh và Cà Mau. Các tỉnh còn lại giao dịch ổn định trong khoảng từ 63.000 đồng/kg đến 69.000 đồng/kg.
Bảng giá heo hơi hôm nay 27/8 tại các địa phương cao nhất/thấp nhất khu vực
Trong tháng 7/2022 và tuần đầu tháng 8/2022, giá xuất khẩu khô đậu tương tại các thị trường đều tăng so với tháng trước do nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung hạn chế tại Nam Mỹ.
Cụ thể, giá khô đậu tương 48% protein giao tháng 10/2022 của Mỹ ở mức 615 USD/tấn, FOB tăng 75 USD/tấn so với tháng trước và tăng 181 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu khô đậu tương 47 pro tại Argentina giao tháng 10/2022 ở mức 540 USD/tấn, FOB, tăng 55 USD/tấn so với tháng trước và tăng 145 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Brazil, giá xuất khẩu khô đậu tương giao tháng 10/2022 ở mức 545 USD/tấn, tăng 25 USD/tấn so với tháng trước và tăng 142 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2021. Giá khô đậu tương xuất khẩu của các nước Nam Mỹ và Mỹ trong tháng tới dự kiến giảm nhẹ do triển vọng nguồn cung dồi dào trong niên vụ 2022/23, và giá các hang hóa nông sản giảm.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo sản lượng khô đậu tương toàn cầu vụ 2022/23 đạt 256,8 triệu tấn, tương đương với dự báo trước và tăng 10,8 triệu tấn so với niên vụ trước. Trong đó, sản lượng khô đậu tương của Trung Quốc chiếm đến 29,3% tỷ trọng trong tổng sản lượng khô đậu tương toàn cầu, đạt 75,2 triệu tấn, tương đương với dự báo trước và tăng 6,3 triệu tấn so với niên vụ trước. Tiếp đến là sản lượng khô đậu tương của Mỹ chiếm 18,7% tỷ trọng, đạt 47,9 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với niên vụ trước; Sản lượng của Brazil và Argentina đạt lần lượt 38,4 triệu tấn và 32 triệu tấn, chiếm lần lượt 15% và 12,5% tỷ trọng.
Lượng xuất khẩu khô đậu tương toàn cầu dự kiến đạt 69,9 triệu tấn trong niên vụ 2022/23, giảm nhẹ so với dự báo trước nhưng tăng 1,3 triệu tấn so với niên vụ trước. Trong đó, Argentina dự kiến xuất khẩu 28,5 triệu tấn, tăng 0,2 triệu tấn so với niên vụ trước; Brazil xuất khẩu 18,1 triệu tấn, giảm 0,4 triệu tấn; Mỹ xuất khẩu 12,7 triệu tấn, tăng 0,3 triệu tấn so với niên vụ trước. Nhu cầu nhập khẩu khô đậu tương toàn cầu vụ 2022/23 dự kiến đạt 65,1 triệu tấn, giảm nhẹ so với dự báo trước nhưng tăng 1,1 triệu tấn so với niên vụ 2021/22.
Việt Nam là nước nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 thế giới (sau EU và Indonesia). Dự báo lượng nhập khẩu khô đậu tương về Việt Nam trong năm 2022 đạt trên 5 triệu tấn, trị giá 2,7 tỷ USD, giảm 0,4% về lượng và giảm 8% về trị giá so với năm 2021.