Hồ tiêu Việt Nam đã "xuống đáy" 34.000 đồng/kg vào tháng 3/2020, mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Từ nửa cuối năm 2020 giá tiêu đã tăng trở lại và đạt mức 89.000 đồng/kg vào đầu năm 2022. Từ tháng 3/2022 giá hồ tiêu liên tục giảm và thời điểm hiện tại đứng ở mức 60.000 đồng/kg.
Cụ thể, kết thúc tháng 1/2022, giá tiêu tăng 500 đồng/kg tại các địa phương. Thu mua cao nhất tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với mức giá 82.500 đồng/kg.
Còn so với tháng 1, giá tiêu tháng 2 tăng 2.000 đồng/kg tại Đông Nam Bộ, tăng 1.000 - 1.500 đồng/kg ở các tỉnh Tây Nguyên. Thị trường khởi sắc ngay sau Tết Nguyên đán nhưng sau đó lại chùng xuống. Tháng 2/2022, giá tiêu dao động trong khoảng 81.000 - 84.500 đồng/kg.
Kết thúc tháng 3/2022, giá tiêu trong nước mất trung bình 2.500 - 3.000 đồng/kg. Thị trường được đánh giá kém sôi động dù đã gần kết thúc vụ thu hoạch năm nay.
Giá tiêu cuối tháng 4/2022 (30/4) tại thị trường trong nước đi ngang do bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Thời điểm đó, giá hồ tiêu đang giao dịch quanh mức 76.000 - 79.000 đ/kg.
Cuối tháng 5, giá tiêu có những phiên giao dịch tăng nhẹ. Đây tiếp tục là chỉ dấu tích cực cho thị trường trong nước sau thời gian giảm mạnh vừa qua. Giá tiêu cuối tháng 5 trong khoảng 70.500 - 73.500 đồng/kg. Kết thúc tháng 5/2022, giá tiêu giảm 4.500 - 5.000 đồng/kg.
Giá tiêu cuối tháng 6/2022 trong khoảng 69.000 - 72.000 đồng/kg. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục có giá thu mua hồ tiêu cao nhất, ở mức 72.000 đồng/kg.
Từ tháng 3/2022 giá hồ tiêu liên tục giảm.
Trong phiên cuối tuần cũng là phiên cuối tháng 7/2022, thị trường hồ tiêu trong nước tăng nhẹ. Lực mua tại biên giới phía Bắc tăng là nguyên nhân chính giúp thị trường khởi sắc 10 ngày cuối tháng. Tổng kết tháng 7/2022, thị trường cao hơn đầu tháng 1.000 - 2.000 đồng/kg, tùy từng địa phương, trong đó mức tăng mạnh nhất ghi nhận ở Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên sang tháng 8/2022, giá tiêu nội địa giảm trung bình 4.000 đồng/kg. Trong khi đó, Cộng đồng Hồ tiêu thế giới đã niêm yết giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam giảm 200 USD/tấn, tương ứng còn 3.550 USD/tấn tiêu đen loại 500g/l, và giảm tới 400 USD với tiêu trắng, tương ứng còn 5.400 USD/tấn.
3 tháng liên tiếp sau đó, là những ngày “trượt giá” của hồ tiêu Việt Nam. cụ thể, tổng kết tháng 9/2022, thị trường nội địa mất 3.000 đồng/kg. Tính chung tháng 10/2022, giá tiêu trong nước giảm trung bình 8.000 đồng/kg. Sang tháng 11/2022, thị trường trong nước tăng trung bình 4.000 đồng/kg.
Những ngày cuối năm 2022, giá hồ tiêu có những phiên đi ngang và duy trì mức giá ổn định quanh ngưỡng 60.000 đồng/kg.
Kể từ những tháng cuối năm 2022, nhiều người dân đã chặt bỏ hồ tiêu để trồng sầu riêng. Chia sẻ với phóng viên bên lề hội thảo Thúc đẩy xuất khẩu hồ tiêu và gia vị Việt Nam theo Hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA) do VPA tổ chức ngày 21/12/2022 tại TP HCM, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho rằng đây là điều bình thường khi xét về tư duy kinh tế. Hiện, cây sầu riêng đang có hiệu quả kinh tế nổi trội khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đối với vườn hồ tiêu, việc tái canh diễn ra thường xuyên khi xuất hiện cây chết, già cỗi hoặc năng suất thấp, người dân có thể thay bằng sầu riêng, mít, bơ hay là tiếp tục trồng hồ tiêu...
Theo bà Liên, bà con là người quyết định sẽ tái canh cây gì trên đất của mình nhưng cần lưu ý Trung Quốc cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng trồng thuần. Sầu riêng trồng xen canh với các cây trồng khác không đủ điều kiện để cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, khi trồng xen canh sầu riêng thì bà con phải phun xịt thuốc trừ sâu bệnh có thể ảnh hưởng đến các cây trồng khác trong vườn, trong đó cây hồ tiêu.
Năm 2022, ngành hạt tiêu của Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn do lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu thụ giảm. Do đó, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang nhiều thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc giảm.
Thống kê Hải quan Việt Nam cho biết, tính đến tháng 12/2022, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam ước đạt 978,4 triệu USD, sản lượng xuất khẩu ước đạt hơn 227.000 tấn hồ tiêu, tăng 4,3% về giá trị, giảm 13% về lượng xuất khẩu.
Dự báo năm 2023, xuất khẩu tiêu của Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong bối cảnh giá thế giới chịu áp lực do nhu cầu tiêu thụ thấp.
Ngành hạt tiêu Việt Nam cần tăng khả năng hợp chuẩn theo các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về các khía cạnh như dư lượng hóa chất, các tiêu chí sản xuất bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.