Sự lạc quan mới đã được thể hiện rõ trên thị trường chứng khoán châu Âu, nơi chỉ số Stoxx 600 đã tăng hơn 4,5% kể từ phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023 cho tới ngày 10/1. Những dấu hiệu cho thấy lạm phát hạ nhiệt, những nút thắt chuỗi cung ứng được giải tỏa, và giá khí đốt xuống thang nhanh - tất cả đều góp phần làm dấy lên những tia hy vọng mới về kinh tế châu Âu.
Bức tranh kinh tế châu Âu bớt ảm đạm
Mặc dù Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo 1/3 số nền kinh tế trên thế giới rơi vào suy thoái trong năm nay và Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế toàn cầu chỉ tăng 1,7% trong năm nay, song giới đầu tư ở châu Âu vẫn có được sự lạc quan thận trọng sau khi một loạt dữ liệu kinh tế công bố gần đây đều tốt hơn dự báo, cho thấy sự giảm tốc có thể không tệ như lo ngại trước đó.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 của Eurozone tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm gần 1 điểm phần trăm so với mức tăng 10,1% trong tháng 11. Lạm phát yếu đi khiến nhà đầu tư khấp khởi hy vọng rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể bớt quyết liệt hơn trong việc tăng lãi suất trong năm nay sau 4 đợt nâng liên tiếp kể từ tháng 7/2022.
Số liệu khảo sát doanh nghiệp của S&P Global công bố mới đây cũng cho thấy hoạt động kinh doanh tại 20 nước sử dụng đồng Euro, dù vẫn còn ở mức thấp so với lịch sử, đã nhích lên trong tháng 12 so với tháng trước. Cũng theo dữ liệu của S&P Global, sức ép chuỗi cung ứng và lạm phát đối với các nhà sản xuất trong khu vực có vẻ cũng đang dịu đi.
Và quan trọng hơn, mức dự trữ khí đốt cao và thời tiết ấm hơn thường lệ đang kéo giá khí đốt giảm nhanh. Giữa tuần vừa rồi, giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan - giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu - giảm về ngưỡng 65 Euro/megawatt giờ, thấp hơn trên 80% so với mức kỷ lục thời đại thiết lập vào tháng 8, thời điểm giá khí đốt ở châu Âu đạt 342 Euro/megawatt giờ. Mức giá khí đốt này cũng thấp hơn cả trước khi xảy ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
Hiện tại, dự trữ khí đốt của châu Âu vẫn đầy khoảng 84%, cao hơn nhiều so với mức 52% cùng thời điểm này năm ngoái. Chưa kể, nhiệt độ cao bất thường trong mùa đông này cũng là một nhân tố “trợ lực” cho châu Âu vượt khủng hoảng năng lượng. Hôm 1/1, có ít nhất 8 nước châu Âu ghi nhận mức nhiệt trong tháng 1 cao nhất từ trước đến nay.
“Nỗi hoảng sợ đã không còn nữa”, ông Henning Gloystein - Giám đốc phụ trách nghiên cứu năng lượng, khí hậu và tài nguyên thuộc Eurasia Group - đề cập đến “cơn ác mộng” hồi năm ngoái rằng châu Âu có thể buộc phải chia khẩu phần khí đốt trong mùa đông này.
Những yếu tố trên đã dẫn tới việc một số tổ chức dự báo điều chỉnh tăng triển vọng tăng trưởng kinh tế châu Âu. Tuần trước, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo kinh tế Eurozone tăng trưởng 0,6% trong năm 2023 từ mức dự báo suy giảm 0,1% đưa ra hồi tháng 11. WB dự báo kinh tế Eurozone tăng 0,5% trong năm nay, bằng với mức tăng trưởng của Mỹ dù nền kinh tế Mỹ cho tới gần đây vẫn được cho là “khỏe” hơn nhiều so với châu Âu.
“Chúng tôi giữ quan điểm rằng tăng trưởng kinh tế của khu vực sử dụng đồng Euro sẽ yếu trong những tháng mùa đông do cuộc khủng hoảng năng lượng, nhưng chúng tôi không còn dự báo nền kinh tế khu vực này rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật nữa”, một báo cáo của Goldman Sachs nhận định.
Nhũng thách thức dai dẳng
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những thách thức mà kinh tế châu Âu phải đương đầu sẽ không mất đi trong một sớm một chiều. Hai thách thức lớn nhất là khủng hoảng năng lượng và chính sách tiền tệ thắt chặt được cho là sẽ tiếp tục đeo bám khu vực.
Để thay thế cho khí đốt Nga, châu Âu đã đẩy mạnh nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Na Uy và mua khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ. Nhưng việc dự trữ khí đốt cho mùa đông tiếp theo của châu Âu có thể gặp nhiều khó khăn khi lượng khí đốt do Nga cung cấp còn rất ít ỏi.
Theo ông Henning Gloystein - Giám đốc phụ trách nghiên cứu năng lượng, khí hậu và tài nguyên thuộc Eurasia Group, châu Âu phải tiêu tốn rất nhiều tiền để mua khí đốt dự trữ cho mùa đông tới, xét tới việc khu vực dễ tổn thương như thế nào trước sự leo thang của giá cả trên thị trường LNG vốn dĩ đang thắt chặt. Chỉ cần một vụ gián đoạn đường ống ở Na Uy, xuất khẩu của Mỹ giảm do thời tiết cực đoan… đều có thể khiến giá LNG tăng vọt. Ngoài ra, khi nhu cầu LNG của Trung Quốc phục hồi, giá của năng lượng này cũng có thể tăng cao - một báo cáo của ngân hàng Deutsche Bank nhận định vào tháng trước.
Vấn đề của châu Âu là lạm phát toàn phần đã giảm khá nhanh, nhưng lạm phát lõi - không tính giá năng lượng và thực phẩm - giảm chậm. Thực tế này khiến khó có chuyện ECB sớm chuyển sang nới lỏng.
Dù đã giảm sâu gần đây, giá khí đốt ở châu Âu hiện vẫn cao gấp hơn 4 lần so với mức bình quân của thập kỷ qua. Ngoài ra, cũng cần một thời gian để mức giá bán buôn khí đốt thấp hơn có thể ngấm đến hóa đơn năng lượng của người tiêu dùng, vì một số quốc gia ở châu Âu đã áp mức giá cố định hoặc đặt trần giá khí đốt cho vài tháng tới.
Nhà phân tích Giovanni Sgaravatti của Bruegel nói có thể phải mất tới 5 tháng để hóa đơn năng lượng của người tiêu dùng châu Âu có thể giảm xuống. “Cần có thời gian để sự giảm giá bán buôn khí đốt ngấm tới giá bán lẻ khí đốt. Châu Âu thực sự vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng năng lượng”, ông Sgaravati nói.
Theo các chuyên gia của Goldman Sachs, lạm phát ở Eurozone sẽ giảm về mức 3,25% vào cuối năm 2023, so với mức 4,5% đưa ra trong dự báo trước. Dù vậy, mức lạm phát đó vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà ECB đề ra. Xét tới bản chất dai dẳng của lạm phát, Goldman Sachs dự báo ECB sẽ duy trì sự cứng rắn và nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm vào tháng 2 và tháng 3 trước khi giảm tốc về mức tăng 0,25 điểm phần trăm vào tháng 5, để đạt tới mức lãi suất cực đại là 3,25%.
Chuyên gia kinh tế trưởng Holger Schmieding của Berenberg nhận định rằng vấn đề của châu Âu là lạm phát toàn phần đã giảm khá nhanh, nhưng lạm phát lõi - không tính giá năng lượng và thực phẩm - giảm chậm. Thực tế này khiến khó có chuyện ECB sớm chuyển sang nới lỏng. “Dữ liệu lạm phát ở thời điểm hiện nay vẫn còn nhiều biến động. ECB đã quyết tâm kéo lạm phát xuống một cách chắc chắn”, ông Schmieding nhận định.
Đó cũng chính là thông điệp mà bản thân Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã đưa ra. “Chúng tôi không thể chỉ dựa vào một con số duy nhất”, bà Lagarde nói và cho rằng “có nhiều lý do để tin rằng lạm phát sẽ tăng trở lại trong tháng 1”. “Chúng ta phải nhìn vào xu hướng, nhìn vào triển vọng lạm phát, phải đánh giá những gì đã đạt được, và cả việc chúng ta phải đi đến đâu. Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi, và chúng ta đang ở trong một cuộc chiến lâu dài”, bà Lagarde nói.