Khoảng 68% sản lượng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) của Freeport LNG được xuất khẩu đến Anh và châu Âu (Ảnh: Econnect Energy)
Trước đó, Freeport LNG cho rằng sẽ chỉ phải ngưng hoạt động khoảng 3 tuần để khắc phục sự cố. Công suất của Freeport LNG hiện chiếm 20% tổng công suất hoá lỏng khí tự nhiên của Hoa Kỳ. Dữ liệu của chuyên trang Trading Economics cho thấy khoảng 68% sản lượng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) của Freeport LNG được xuất khẩu đến Anh và châu Âu.
Do đó việc Freeport LNG thông báo thời gian sửa chữa dài hơn nhiều so với dự kiến sẽ khiến châu Âu đối mặt thách thức lớn trong việc đảm bảo nguồn cung khí đốt trong thời gian tới. Đặc biệt là nguồn cung khí đốt qua đường ống dẫn khí chính từ Nga sang Liên minh châu Âu (EU) là Nord Stream 1 đã giảm 40% do các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga. Đồng thời, một số cơ sở khai thác khí tại Na Uy đang tiến hành bảo dưỡng.
Rủi ro thiếu hụt nguồn cung đã đẩy giá khí đốt giao kỳ hạn trên sàn giao dịch TTF (Hà Lan) đạt 100,56 EUR/MWh, tăng tới 25% so với hồi đầu tuần này. Tính riêng phiên giao dịch ngày 14/6, giá khí đốt TTF đã tăng vọt 15% trong phiên giao dịch. Giá khí đốt TTF được xem là giá tham khảo chuẩn cho các giao dịch khí đốt tại châu Âu.
Nhiều chuyên gia phân tích cảnh báo châu Âu có thể tạm thời chống đỡ việc đứt gãy nguồn cung khí LNG từ Freeport LNG bằng cách sử dụng lượng khí đốt dự trữ hiện có. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc nếu thời gian sửa chữa tại Freeport LNG càng kéo dài thì lượng khí dự trữ tại châu Âu sẽ càng sụt giảm.
Trong khi đó, các quốc gia châu Âu đang phải tìm cách tăng cường dự trữ để chuẩn bị cho mùa Đông tới đây trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga có thể suy giảm bất kỳ lúc nào.
Trong thời gian gần đây, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho 5 quốc gia thành viên EU, gồm Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch do các quốc gia này từ chối thanh toán tiền nhập khẩu khí đốt bằng đồng Ruble Nga. Các nhà nhập khẩu khí đốt tại Đức và nhiều quốc gia EU đã chấp nhận yêu cầu thanh toán tiền nhập khẩu bằng đồng Ruble nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng từ Nga.
Sự cố của Freeport LNG đã phản ánh vị thế dễ tổn thương của EU trong đảm bảo an ninh năng lượng khi EU nỗ lực giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga. Trước khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2 vừa qua, nguồn cung khí đốt từ Nga đáp ứng tới 40% tổng nhu cầu sử dụng khí đốt của EU.
Giới phân tích cũng đánh giá sự cố của Freeport LNG sẽ khiến Hàn Quốc mất đi nguồn cung khí tương đương 17% tổng nhu cầu sử dụng hàng tháng của nước này, con số này đối với Nhật Bản là khoảng 3,5% tổng nhu cầu sử dụng hàng tháng.
Ông Tamir Druz, giám đốc điều hành hãng tư vấn năng lượng Capra Energy (Hoa Kỳ), nhận định nếu như sự cố tại Freeport LNG kéo dài nhiều tháng thì giá khí LNG tại châu Âu sẽ tăng vọt so với khu vực châu Á. Điều này sẽ khiến các quốc gia châu Á và châu Âu phải cạnh tranh quyết liệt để đảm bảo nguồn cung khí LNG trong thời gian tới. Nhất là khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 thì nhu cầu sử dụng khí LNG sẽ tăng mạnh trở lại.