Thị trường trên đà tăng giá
Theo khảo sát của MarketTimes, giá lợn hơi tuần vừa qua (từ ngày 4-7/7) đều trên đà tăng, có nơi tăng mạnh nhất lên đến 5.000 đồng/kg.
Cho đến hôm nay (8/7), giá thu mua trên cả 3 miền vẫn tiếp đà tăng từ 1.000 – 4.000 đồng/kg và ghi nhận mức giá cao nhất 63.000 đồng/kg.
Theo đó, tại thị trường miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay điều chỉnh tăng trên diện rộng và dao động trong khoảng 60.000 - 63.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình cùng tăng 2.000 đồng/kg đưa giá lợn hơi lên mốc 60.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được ghi nhận tại Yên Bái, Lào Cai, Thái Bình và Tuyên Quang.
Các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Hưng Yên và TP Hà Nội, giá lợn hơi tăng 1.000 đồng/kg trong hôm nay và được thương lái thu mua trong khoảng 60.000 - 63.000 đồng/kg. Tại Bắc Giang và Vĩnh Phúc giá lợn hơi hôm nay đi ngang và hiện giao dịch với giá 61.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 55.000 - 61.000 đồng/kg. Trong đó, Thanh Hóa điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg trong hôm nay, đưa giá lợn hơi lên mốc 58.000 đồng/kg. Cùng chiều tăng còn có Ninh Thuận, Khánh Hòa và Quảng Bình khi điều chỉnh 1.000 - 2.000 đồng/kg trong hôm nay, hiện giao dịch với giá 57.000 đồng/kg. Lâm Đồng thu mua lợn hơi ở mốc cao nhất khu vực là 61.000 đồng/kg sau tăng 1.000 đồng/kg so với hôm qua.
Cùng chung xu hướng đó, ở thị trường miền Nam, giá lợn hơi hôm nay ghi nhận điều chỉnh tăng ở một số địa phương và dao động trong khoảng 54.000 - 61.000 đồng/kg. Theo đó, tại Trà Vinh giá lợn hơi hôm nay tăng 1.000 đồng/kg và được thương lái thu mua với giá 58.000 đồng/kg. Còn tại Bến Tre, giá lợn hơi hôm nay tăng mạnh 4.000 đồng/kg và ghi nhận ở mức 61.000 đồng/kg. Vũng Tàu hiện là địa phương có giá lợn hơi cao nhất khu vực 62.000 đồng/kg. Còn tại Kiên Giang ghi nhận giá lợn hơi thấp nhất khu vực 54.000 đồng/kg.
Dự báo giá lợn hơi nửa cuối năm khó tạo ra bước nhảy vọt
6 tháng đầu năm 2022, giá thịt lợn tăng 0,87% so với tháng trước do giá thức ăn chăn nuôi tăng.
Như vậy, bước sang nửa cuối năm 2022, giá lợn hơi ba miền đang tiến lên mốc 60.000 đồng/kg sau nhiều tháng đi ngang quanh mốc 55.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Trọng - Nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi) – đánh giá, thời gian qua giá thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu đầu vào phi mã theo xăng dầu nên tất yếu giá sản phẩm phải nhích lên. Tuy nhiên, dự báo đà tăng của giá lợn hơi vẫn khá chậm và có thể chỉ tăng 5 - 10% nữa (tương đương 3.000 – 6.000 đồng/kg) trong quý III này. Và ngay cả khi bước sang quý IV – thời điểm vàng của tiêu thụ thịt lợn, giá lợn cũng khó tạo ra bước nhảy vọt vì tổng đàn lợn cả nước vẫn ổn định ở mức 28,2 triệu con, cung cấp khoảng 3,8 – 4 triệu tấn thịt/năm.
Đến nay, nguồn cung thiếu hụt đẩy giá heo hơi tăng cao. Ngoài ra, giá chăn nuôi tiếp tục được điều chỉnh tăng đẩy giá bán thịt heo lên theo.
Chỉ trong hơn 5 tháng đầu năm 2022, thức ăn chăn nuôi đã 4 lần tăng giá. Nếu tính cả năm 2021 đến thời điểm này thì thức ăn chăn nuôi đã 15 lần tăng giá. Giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục khiến chi phí sản xuất tăng cao, trong khi đó, giá bán gia súc, gia cầm lại giảm khiến người chăn nuôi đang đối diện với nhiều khó khăn.
Mặt khác, một số công ty chăn nuôi dự báo, trong thời gian tới nguồn cung lợn hơi cho TP.HCM sẽ giảm đáng kể do dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng mạnh đến Đồng Nai và các tỉnh Đông Nam bộ. Ngoài ra lượng lợn hơi từ miền Bắc sẽ bị thắt chặt do kiểm dịch. Do vậy dự báo giá lợn hơi tại khu vực này có thể tăng trở lại trong ngắn hạn.
Sau những đợt tăng giá, người chăn nuôi lợn trong nước khá phấn khởi, vừa vui mừng bán ra nhưng cũng vừa đánh liều giữ lại một lượng nhất định khi thị trường xuất hiện một số đồn đoán giá sẽ lên cao hơn.
Trên thực tế, đã có nhiều hộ chăn nuôi bỏ chuồng, phá chuồng vì không chống đỡ nổi trước khủng hoảng giá heo. Điều này khiến quy mô đàn lợn trên cả nước liên tiếp giảm sau hơn hai năm thua lỗ. Cụ thể, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp, quy mô đàn lợn trên cả nước trong quý I lần lượt giảm 5,4%; 5,7% và 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vào thời điểm nhu cầu từ các nước láng giềng tăng như hiện nay, xu hướng quy mô đàn lợn giảm liên tục dấy lên đồn đoán nguồn cung trong nước sẽ dần cân bằng với nhu cầu trong thời gian tới, thậm chí là quay sang lo ngại thiếu hụt nguồn cung cục bộ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc phải điều chỉnh giá bán tăng trong thời gian vừa qua, nhằm hạn chế thương lái đặt mua với số lượng lớn. Nếu không tăng giá để hạn chế sức mua thì đến cả doanh nghiệp cũng không thể đáp ứng nhu cầu thị trường.