Người chăn nuôi e dè tái đàn, lo ngại thiếu nguồn cung cho dịp tết Nguyên đán.
Theo khảo sát của MarketTimes, giá lợn hơi tuần vừa qua ( từ ngày 26-29/9), giá lợn hơi ở các địa phương đều trên chuỗi đà giảm có nơi giảm sâu tới 5.000 đồng/kg. Hôm nay, tại phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9 giá mặt hàng này vẫn tiếp đà giảm.
Cụ thể, tại thị trường miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay giảm nhẹ tại một vài địa phương và dao động trong khoảng 55.000 - 61.000 đồng/kg. Theo đó, cùng giảm 1.000 đồng/kg, tại 3 tỉnh gồm Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình hiện giá lợn hơi xuống còn 60.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, Phú Thọ, Hà Nội, Hưng Yên và Thái Nguyên lần lượt thu mua với giá 56.000 đồng/kg, 57.000 đồng/kg và 59.000 đồng/kg. Mốc giá cao nhất 61.000 đồng/kg được ghi nhận tại Vĩnh Phúc, và mức giá lợn hơi thấp nhất khu vực 55.000 đồng/kg được ghi nhận ở Lào Cai.
Tại thị trường miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay giảm rải rác tại một vài nơi và dao động trong khoảng 55.000 - 61.000 đồng/kg. Trong đó, Ninh Thuận ghi nhận mức giảm mạnh trong khu vực 3.000 đồng/kg xuống còn 56.000 đồng/kg, mức giá này cũng được ghi nhận tại Đắk Lắk. Cùng giảm 1.000 đồng/kg, hai tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh đang giao dịch chung mốc 60.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, Bình Thuận tiếp tục là địa phương có giá thu mua thấp nhất khu vực khi đạt mức 55.000 đồng/kg.
Tuần qua ( từ ngày 26-29/9), giá lợn hơi tại các địa phương giảm sâu nhất 5.000 đồng/kg.
Tại thị trường miền Nam, giá lợn hơi khu vực này hôm nay điều chỉnh giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg tại một số địa phương và dao động trong khoảng 51.000 - 61.000 đồng/kg. Cụ thể, cùng giảm 2.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại các địa phương Kiên Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp lần lượt ở mức 51.000 đồng/kg, 55.000 đồng/kg và 56.000 đồng/kg. Các địa phương gồm Bình Dương, Long An, Hậu Giang, Cà Mau cùng ghi nhận mức giảm 1.000 đồng/kg và ghi nhận mức giá lợn hơi ở mức từ 55.000 - 61.000 đồng/kg. Các địa phương khác trong khu vực không ghi nhận sự biến động về giá.
Lo ngại thiếu nguồn cung thịt lợn cho dịp Tết Nguyên đán?
Trước thực trạng giá thịt lợn liên tục đi xuống thời gian gần đây và giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao khiến người nuôi lợn hạn chế tái đàn vì lo thua lỗ, gây nguy cơ thiếu thịt lợn cuối năm, đặc biệt dịp cao điểm Tết Quý Mão 2023.
Nhiều hộ chăn nuôi lo ngại giá thức ăn chăn nuôi cao đã "ăn" hết cả vào lợi nhuận của người nuôi lợn. Thậm chí nhiều gia đình đã ngừng việc chăn nuôi vài tháng nay, chưa biết khi nào mới tái đàn vì lãi ít, thậm chí không tính toán, chăn nuôi cẩn thận còn lỗ nặng.
Nhận định về thị trường thức ăn chăn nuôi thời gian qua, GS-TS Phạm Thị Mỹ Dung, Viện trưởng Viện Khoa học Phát triển Nông thôn (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hà Nội) cho biết, thức ăn chăn nuôi là một trong những mặt hàng tăng giá liên tục và tăng rất mạnh. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, giá mặt hàng này tăng 6 lần và chưa giảm một lần nào. Dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp kéo giảm vật giá nhưng nếu giá thức ăn chăn nuôi không giảm thì giá heo hơi cũng khó giảm thêm được nữa vì hiện nay thức ăn chăn nuôi chiếm đến 80% chi phí sản xuất, trong khi giá xăng dầu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Các chuyên gia nhận định nguyên nhân giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh là do giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào để sản xuất liên tục tăng suốt thời gian qua, nếu không tăng giá sản phẩm bán ra thì doanh nghiệp sẽ thua lỗ. Thức ăn chăn nuôi trong nước hiện nay đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, chiếm tỷ trọng tới 80 - 90%, trong đó có những nguồn không thể thay thế được trong nước như lúa mì, đậu tương và thậm chí là ngô. Việc liên kết với các vùng trồng ngô ở Sơn La, Hòa Bình… để hỗ trợ thu mua nguyên liệu nhưng chất lượng không đạt tiêu chuẩn vì kết quả kiểm định còn tồn dư một số độc tố trong quá trình sản xuất. Do đó, việc dùng nguyên liệu trong nước để thay thế vẫn còn nhiều mặt hạn chế.
Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt lợn trên thị trường.
Các địa phương cũng có các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi. Không để thiếu hụt thịt lợn, giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt lợn qua biên giới, quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và bảo đảm nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn.