Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay tiếp tục giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/kg tại một số tỉnh thành và dao động trong khoảng 65.000 - 68.000 đồng/kg.
Trong đó, Tuyên Quang giảm 3.000 đồng/kg xuống còn 65.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Sau khi hạ nhẹ một giá, Vĩnh Phúc và Bắc Giang lần lượt thu mua lợn hơi ở mốc 67.000 đồng/kg và 68.000 đồng/kg. Mức giá 68.000 đồng/kg cũng được ghi nhận tại Hưng Yên, Thái Bình. Còn tại Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Thái Nguyên, Phú Thọ và Ninh Bình tiếp tục giao dịch tại 66.000 đồng/kg. Giá lợn hơi hôm nay tại Hà Nội giữ ở mức 67.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay không ghi nhận điều chỉnh mới và dao động trong khoảng 62.000 - 68.000 đồng/kg. Trong đó, Quảng Ngãi và Đắk Lắk hiện ghi nhận hai mốc thấp nhất khu vực là 62.000 đồng/kg và 63.000 đồng/kg. Các tỉnh gồm Lâm Đồng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Ninh Thuận, giá lợn hơi dao động trong khoảng khoảng 65.000 - 66.000 đồng/kg. Bình Định là địa phương có giá lợn hơi cao nhất nhất khu vực là 68.000 đồng/kg.
Cùng chung xu hướng thị trường với khu vực miền Bắc, tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay giảm nhẹ và dao động trong khoảng 62.000 - 68.000 đồng/kg. Cụ thể, Sóc Trăng giảm 2.000 đồng/kg, đưa giá lợn hơi về mức 63.000 đồng/kg, ngang bằng Cần Thơ và Kiên Giang. Còn tại Vũng Tàu và Hậu Giang đang thu mua với giá 62.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với hôm qua. Các tỉnh thành còn lại như Cà Mau, Bến Tre, Bình Phước, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương,... giá lợn hơi giao dịch quanh ở mức 65.000 đồng/kg.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Nghị định số 46/2022/NĐ-CP ngày 13/7/2022 (Nghị định số 46) sửa đổi Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/1/2020 (Nghị định số 13) hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.
Trong đó, Nghị định số 46 đã bổ sung mới khoản 6, Điều 18, Nghị định số 13 quy định về 9 trường hợp được miễn kiểm tra Nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi khi nhập khẩu, gồm: Thức ăn chăn nuôi tạm nhập tái xuất, tái nhập khẩu để tái chế theo yêu cầu của đối tác nước ngoài; Thức ăn chăn nuôi quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển; Thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài gửi kho ngoại quan; Thức ăn chăn nuôi để trưng bày tại hội chợ, triển lãm, quảng cáo; Thức ăn chăn nuôi làm mẫu phân tích tại các phòng thử nghiệm;…
Đồng thời, Nghị định số 46 đã bổ sung mới Điều 18a, Nghị định số 13 quy định về kiểm tra Nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu sau thông quan. Theo đó, cơ quan kiểm tra sẽ tổ chức thực hiện kiểm tra Nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu sau thông quan kết hợp với hoạt động kiểm tra tại cơ sở sản xuất, cơ sở mua bán, cơ sở nhập khẩu, cơ sở sử dụng thức ăn chăn nuôi. Việc kiểm tra sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm với tần suất không quá 1 lần đối với 1 sản phẩm thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có cùng nguồn gốc xuất xứ; không quá 1 lần đối với 1 đơn vị nhập khẩu.
Một điểm đáng chú ý là quy định về trình tự kiểm tra Nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tại khoản 4, Điều 18, Nghị định số 13 đã được Nghị định số 46 sửa đổi, bổ sung chi tiết và cụ thể hơn. Theo đó, tổ chức, cá nhân gửi 1 bộ hồ sơ theo quy định đến cơ quan kiểm tra. Cơ quan kiểm tra sẽ trả lời tính đầy đủ của hồ sơ trong thời hạn 1 ngày làm việc, thẩm định nội dung hồ sơ trong 3 ngày làm việc.