Giá lúa hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đi ngang sau khi đồng loạt điều chỉnh tăng vào hôm qua. Cụ thể, nếp tươi An Giang 5.900 – 6.100 đồng/kg; nếp tươi Long An 6.300 – 6.550 đồng/kg; Đài thơm 8 5.800 – 6.000 đồng/kg; lúa OM 18 5.800 – 6.000 đồng/kg; Nàng hoa 9 duy trì ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 – 5.600 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg; nếp An Giang khô 7.500 – 7.600 đồng/kg; nếp Long An khô 7.700 đồng/kg.
Riêng lúa IR 504 sau khi điều chỉnh tăng 100 đồng/kg hôm qua nay bất ngờ giảm 100 đồng/kg, xuống còn 5.400 – 5.500 đồng/kg.
Tại Hậu Giang, theo ngành nông nghiệp tỉnh này, hiện giá lúa đang được thương lái thu mua phổ biến ừ 5.400-5.600 đồng/kg (tùy giống), giảm khoảng 400 đồng/kg so với đầu vụ thu hoạch (đầu tháng 7). Theo đánh giá của nông dân đang cắt lúa Hè thu, với năng suất và giá bán như trên thì sau khi trừ chi phí sản xuất, bà con chỉ huề vốn ở vụ lúa này.
Với giá gạo, sau khi điều chỉnh giảm hôm qua, hôm nay không biến động, thị trường giao dịch chậm. Theo đó, giá gạo nguyên liệu IR 504 duy trì ổn định ở mức 8.000 – 8.050 đồng/kg, gạo thành phẩm IR 504 ở mức 8.600 – 8.650 đồng/kg.
Tương tự, giá tấm duy trì ở mức 8.400 đồng/kg; cám khô ổn định 8.000 – 8.100 đồng/kg.
Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu tiếp đà đi ngang. Hiện giá gạo 5% tấm ở mức 393 USD/tấn; gạo 25% tấm 378 USD/tấn, gạo 100% tấm 383 USD/tấn.
Trong khi giá gạo Việt duy trì ổn định thì giá gạo của Thái Lan lại điều chỉnh giảm nhẹ 1 USD/tấn. Đối với gạo xuất khẩu của các quốc gia khác như Ấn Độ, Pakistan không có biến động.
Chia sẻ về thị trường xuất khẩu gạo hiện nay, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, mặc dù giá gạo xuất khẩu hiện giảm so với hồi đầu năm nhưng mức giá này vẫn tương đối tốt. Ông Nam cũng dự báo, xuất khẩu gạo năm nay sẽ đạt kế hoạch đề ra bởi tín hiệu từ thị trường vẫn ổn định.
Việc các doanh nghiệp lúa gạo khá lạc quan về thị trường xuất khẩu là hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể, trong báo cáo tháng 8/2022, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 xuống còn 512,4 triệu tấn, giảm 2,3 triệu tấn so với dự báo trước đó và giảm 1,2 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022 do sản lượng giảm tại Ấn Độ, Bangladesh và châu Âu.
Trái ngược với sự sụt giảm về sản lượng, USDA tiếp tục nâng dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 lên mức kỷ lục 518,7 triệu tấn, tăng nhẹ 100.000 tấn so với dự báo trước và tăng hơn 2 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022.
Đáng chú ý, theo báo cáo này, so với niên vụ trước, tiêu thụ được dự báo sẽ tăng tại Bangladesh, Trung Quốc, Nepal, Nigeria, Philippines và Việt Nam.