Giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chững lại và đi ngang sau phiên điều chỉnh tăng.
Tại An Giang, hôm nay giá lúa đi ngang. Cụ thể, hiện lúa Nàng hoa 6.400 – 6.500 đồng/kg; Đài thơm 8 6.000 – 6.200 đồng/kg; OM 5451 6.000 – 6.100 đồng/kg; lúa IR 504 đứng ở mức 5.500 – 5.700 đồng/kg; nếp Long An 7.700 đồng/kg; lúa tươi OM 18 5.800 – 5.900 đồng/kg; IR 504 (khô) 6.500 đồng/kg; nếp An Giang 7.700 – 7.800 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm giảm nhẹ. Hiện giá gạo NL IR 504 ở mức 8.350 - 8.450 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg; gạo thành phẩm 8.800 – 8.850 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg.
Với mặt hàng phụ phẩm, giá tăng trở lại. Hiện giá tấm IR 504 đứng ở mức 8.700 – 8.750 đồng/kg; cám khô giữ ở mức 9.100 – 9.200 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg.
Hôm nay giá gạo giảm nhẹ, giao dịch gạo nội địa ảm đạm do đầu ra gạo trắng yếu cả kênh gạo chợ và xuất khẩu, nhiều kho ngưng mua. Giá lúa tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ do thương lái mua chậm. Nhu cầu mua lúa Hè thu đều, tình trạng sang tay bán lại lúa diễn ra nhiều tại các địa bàn.
Với gạo Việt Nam, hiện giá chào bán gạo xuất khẩu chững lại và đi ngang. Hiện, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ổn định ở mức 418 USD/tấn, gạo 100% tấm 383 USD/tấn, gạo 25% tấm giữ nguyên mức 403 USD/tấn.Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Chất lượng phải đồng đều, giá cả hợp lý, nguồn cung ổn định chính là những thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam. Điều này càng khó khăn hơn trong bối cảnh 2 năm trở lại đây, giá vật tư đầu vào của ngành lúa gạo liên tục tăng cao, lợi nhuận của doanh nghiệp gạo theo cũng bị ảnh hưởng
Bên cạnh đó, hiện thị trường tầm trung nhưng khá tiềm năng là châu Phi đã chuyển sang mua gạo Ấn Độ để được hưởng mức giá rẻ hơn, chi phí vận chuyển thấp hơn. Ông Phan Văn Có - Giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice cho biết, chi phí sản xuất cùng với giá cước vận tải ở mức cao khiến gạo Việt bị giảm sức cạnh tranh trên thị trường. "Hiện nay, giá cước đi các cảng chính tại EU vẫn ở mức 9.000 - 10.000 USD cho mỗi container 20 feet. Tình trạng thiếu container rỗng vẫn còn. Điều này khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm mạnh. Đáng chú ý nhiều đơn hàng bán CIF có thể bị lỗ”, ông Phan Văn Có đánh giá.