Cụ thể, chỉ số giá lương thực toàn cầu của FAO (FAO Food Index) trong tháng 5 đạt 157,4 điểm, giảm nhẹ so với mức 158,3 điểm trong tháng 4. Như vậy, giá lương thực thực phẩm thế giới đã ghi nhận tháng giảm thứ 2 liên tiếp sau khi đạt mức cao kỷ lục hồi tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, giá lương thực thực phẩm trong tháng 5/2022 vẫn cao hơn tới 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine.
FAO dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong niên vụ 2022/2023 sẽ giảm 16 triệu tấn so với mức cao kỷ lục 2,784 tỷ tấn trong năm 2021. Đây là lần đầu tiên sản lượng ngũ cốc toàn cầu giảm xuống trong vòng 4 năm trở lại đây. Trong đó, sản lượng lúa mì, gạo và ngô được FAO dự báo sẽ giảm xuống. Các dự báo này được đưa ra dựa trên điều kiện mùa vụ và kế hoạch gieo trồng.
FAO cũng dự báo nhu cầu tiêu thụ ngũ cốc trong niên vụ 2022/2023 trên toàn cầu sẽ giảm 0,1% so với niên vụ 2021/2022, đạt 2,788 tỷ tấn. Đây là lần đầu tiên trong vòng 20 năm trở lại đây, nhu cầu tiêu thụ ngũ cốc giảm xuống.
Chỉ số giá ngũ cốc trong chỉ số giá lương thực toàn cầu của FAO trong tháng 5 đã tăng 2,2%; đặc biệt, giá lúa mì tăng tới 5,6% so với hồi tháng 4. So với cùng kỳ năm 2021, giá lúa mì thế giới hiện tăng tới 56,2%. Theo FAO, nguyên nhân khiến giá lúa mỳ tăng mạnh là do Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này và nguy cơ suy giảm nguồn cung từ Ukraine do các hoạt động quân sự tại đây.
Chỉ số giá thịt trong tháng 5 tăng thêm 0,6% so với hồi tháng 4, chạm mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, giá thịt lợn có xu hướng giảm xuống nhưng giá thịt gia cầm lại tăng lên; giá thịt bò thế giới đã có xu hướng ổn định.
Ngược lại, các chỉ số giá sữa và các sản phẩm từ sữa, giá đường và giá dầu thực vật đều đã giảm xuống trong tháng 5. Trong đó, chỉ số giá dầu thực vật trong tháng 5 đã giảm 3,5% so với tháng 4, một phần là do Indonesia quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ sau thời gian ngắn triển khai. Indonesia hiện là quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới.
Nhà kinh tế trưởng của FAO Maximo Torero Cullen cảnh báo các biện pháp hạn chế hoặc siết chặt xuất khẩu lương thực tiềm ẩn nhiều rủi ro đến thị trường và có thể dẫn đến xu hướng tăng giá cũng như sự biến động mạnh về giá cả. Sự giảm giá của dầu thực vật trong tháng 5 đã cho thấy tầm quan trọng của việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế để hàng hóa xuất khẩu thông thương một cách suôn sẻ, ông Maximo Torero Cullen nhấn mạnh.