Bên dưới mục tính toàn vẹn của tài khoản và xác thực danh tính, thuộc Tiêu chuẩn cộng đồng, Facebook khẳng định: “Chúng tôi sẽ hạn chế hoặc vô hiệu hóa tài khoản, trang, nhóm nếu bạn mạo danh người khác”. Tương tự, bộ Tiêu chuẩn của TikTok nói rõ “không cho phép các tài khoản mạo danh một người hoặc tổ chức khác” và “khi xác nhận báo cáo mạo danh, có thể cấm tài khoản”.
“Thực tế xuất hiện hàng đống các tài khoản mạo danh, lừa đảo, thậm chí các tài khoản này còn được chạy quảng cáo để tiếp cận nhiều người dùng hơn”, ông Nguyễn Lạc Huy, quản lý các kênh Facebook, TikTok của chuỗi bán lẻ CellphoneS, nói với Zing.
Người dùng gánh thiệt hại
Các trang mạo danh lấy logo CellphoneS hoặc hình ảnh các KOL của chuỗi, sau đó tiếp cận người dùng với các trò lừa đảo quen thuộc như tuyển cộng tác viên online, cộng tác viên làm việc tại nhà, lên đơn hàng nhận hoa hồng.
“Có trường hợp người xem bị lừa hàng chục triệu đồng, đến khi liên lạc với tôi để kiểm tra lại thì đã quá muộn”, ông Lạc Huy cho biết.
Ông Hà Đăng Quang, nhà sáng tạo nội dung với hơn 100.000 lượt theo dõi trên TikTok và 30.000 lượt theo dõi trên Facebook, cho biết đã gặp tình trạng tương tự cách đây vài ngày.
Một người xem kênh của ông Đăng Quang bị tài khoản giả mạo, lấy cùng tên và ảnh đại diện với tài khoản chính chủ, tiếp cận và rao bán sản phẩm “máy in đã qua sử dụng” giá rẻ. Sau khi nhận hàng và chi trả số tiền khoảng 1 triệu đồng, người này phát hiện sản phẩm hỏng và liên hệ kênh chính chủ để khiếu nại.
“Tôi chưa từng buôn bán gì trên các kênh của mình và chỉ nhận làm KOC cho các thương hiệu. Kênh nhỏ nên cũng không nghĩ đến tick xanh xác thực vì không dễ làm và chi phí cũng không rẻ”, ông Đăng Quang nói với Zing.
“Không tác dụng gì”, ông Lạc Huy cho biết khi được hỏi về giá trị chống mạo danh của tài khoản tick xanh trên Facebook. Đây có thể là dấu hiệu để người xem chủ động nhận biết, nhưng thực tế các tài khoản tick xanh vẫn dễ dàng bị kẻ giả mạo lấy tên, lấy ảnh đại diện sau đó đăng bài và chạy quảng cáo.
Việc chống lừa đảo cũng đến tay người dùng
Theo lý thuyết, Facebook và TikTok không cho phép xuất hiện các nội dung giả mạo, vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng mà họ đặt ra. Các nội dung thoát được rà quét của nền tảng sẽ bị gỡ khi có báo cáo từ trang chính chủ hoặc từ nhiều người dùng thông thường.
Tuy nhiên, ông Lạc Huy cho biết kẻ lừa đảo thường né tránh bằng cách chặn các tài khoản chính chủ, do đó không nhìn thấy để báo cáo. “Báo cáo không hết nổi, thậm chí có trường hợp chúng tôi dùng trang chính chủ báo cáo nhưng Facebook từ chối, nói rằng không hợp lệ”, vị này cho biết.
“Theo tôi được biết, gần như không có trường hợp không báo cáo hoặc chưa kịp báo cáo mà Facebook, TikTok chủ động gỡ kênh giả mạo”, ông Đăng Quang chia sẻ.
Hết cách với các tài khoản giả mạo, cả 2 quản lý kênh đều chỉ còn cách tự đăng bài, đăng video cảnh báo người xem. Dù vậy cách cảnh báo này sẽ không tiếp cận được tất cả người xem kênh hoặc những người quen thuộc với thương hiệu, trong khi đó những tài khoản giả mạo vẫn tiếp tục lợi dụng tên, ảnh chính chủ để tìm nạn nhân mới.
Theo ghi nhận của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố đầu tháng 4, TikTok hiện không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền và không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác. Các vi phạm tương tự xuất hiện trên tính năng Reels của Facebook.
Giả mạo là hình thức chiếm gần 75% các vụ lừa đảo trực tuyến ghi nhận được, theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT). Do đó, người dùng mạng cần tìm hiểu kỹ đối tượng và cơ quan đăng tin tuyển dụng, cảnh giác trước những lời mời chào hấp dẫn, hứa hẹn thu nhập cao mà không đòi hỏi kinh nghiệm hay kỹ năng, cơ quan này lưu ý.