Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá ngô giao tháng 12/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) tăng nhẹ 0,46% lên 6,03 USD/giạ (25,4 kg/giạ); giá đậu tương giao tháng 11/2022 gần như không đổi, đạt 13,42 USD/giạ (27,2 kg/giạ). Ngược lại, giá lúa mì giao tháng 9/2022 giảm tới 2,3% xuống còn 7,76 USD/giạ (25,4 kg/giạ).
Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh tại Việt Nam, cho biết, giá lúa mì trên sàn CBOT đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây khi thị trường lo ngại việc nguồn cung lúa mì từ Ukraine ra thị trường được cải thiện sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu lúa mì của Hoa Kỳ. Trong khi đó, đà phục hồi của giá ngô tiếp tục được củng cố nhờ lo ngại tình trạng nắng nóng tại Hoa Kỳ lan rộng khi ngô bước vào giai đoạn thụ phấn sẽ làm giảm sản lượng ngô.
Đối với mặt hàng ngô, Báo cáo Triển vọng cung cầu nông sản thế giới (WASDE) mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy dự báo sản lượng ngô và mức nhập khẩu ngô trong niên vụ 2022/2023 của Trung Quốc sẽ lần lượt ở mức 272,56 triệu tấn và 18 triệu tấn. Các con số này không đổi với báo cáo WASDE gần nhất.
Diễn biến sản lượng ethanol của Hoa Kỳ trong thời gian gần đây (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)
Dữ liệu của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) công bố ngày 13/7 cho thấy tổng sản lượng ethanol của Hoa Kỳ trong tuần kết thúc vào ngày 13/7 đạt trung bình 1,005 triệu thùng/ngày, giảm 39.000 thùng/ngày so với một tuần trước đó. Mức giảm này cao hơn nhiều so với dự báo của giới phân tích đưa ra trước đó. Ước tính với mức sản lượng ethanol như trên, tổng lượng ngô đã được sử dụng tương ứng để sản xuất ethanol tại Hoa Kỳ đạt 2,59 triệu tấn, giảm so với mức 2,69 triệu tấn của một tuần trước đó.
Diễn biến xuất khẩu ngô của Brazil qua các tháng (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)
Tại Brazil, Hiệp hội các nhà xuất khẩu ngũ cốc Brazil (ANEC) nhận định hoạt động xuất khẩu ngô của Brazil trong nửa cuối năm nay có thể gia tăng. ANEC cũng nâng dự báo lượng ngô xuất khẩu của nước này trong tháng 7 từ mức 5,3 triệu tấn lên 6,2 triệu tấn. Nếu con số này đạt được thì luỹ kế xuất khẩu ngô của Brazil trong 7 tháng đầu năm nay sẽ lên đến 12,6 triệu tấn, cao hơn nhiều so với mức 5,9 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái.
Lượng đậu tương được Trung Quốc nhập khẩu qua các tháng (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)
Đối với mặt hàng đậu tương, dữ liệu mới nhất cho thấy lượng đậu tương được Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 6 vừa qua chỉ đạt 8,25 triệu tấn, giảm 14,7% so với hồi tháng 5 và giảm tới 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do giá đậu tương trên thị trường quốc tế ở mức cao nên biên lợi nhuận từ việc nghiền ép đậu tương ở mức thấp, thậm chí không có, khiến các hãng nghiền ép đậu tương tại Trung Quốc hạn chế nhập khẩu.
Tổ chức các ngành công nghiệp dầu thực vật Brazil (ABIOVE) đã hạ dự báo lượng đậu tương xuất khẩu của Brazil trong năm nay từ mức 77 triệu tấn xuống còn 76,8 triệu tấn, thấp hơn khoảng 12% so với tổng mức xuất khẩu trong năm ngoái. Trong khi đó, tổng sản lượng đậu tương niên vụ 2021/2022 của Brazil được ABIOVE điều chỉnh tăng lên 125,8 triệu tấn, tăng 0,3 triệu tấn so với mức ước tính trước. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức kỷ lục 138,8 triệu tấn của niên vụ 2020/2021.
Lượng dầu đậu tương được Ấn Độ nhập khẩu qua các tháng (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)
Trên thị trường dầu thực vật, đáng chú ý, lượng dầu cọ được Ấn Độ nhập khẩu trong tháng 6 đã tăng 15% so với tháng 5 nhờ nguồn cung dầu cọ từ Indonesia được cải thiện và giá dầu cọ giảm xuống so với những tháng trước đó. Ngược lại, lượng dầu đậu tương được Ấn Độ nhập khẩu trong tháng 6 giảm tới 38% so với hồi tháng 5. Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới.
Indonesia dự kiến sẽ nâng tỷ lệ pha trộn dầu cọ trong nhiên liệu sinh học tại nước này từ 30% lên 35%. Điều này có thể khiến mức tiêu thụ dầu cọ thô tại Indonesia tăng thêm 1,5 triệu tấn và có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu cọ thô phục vụ xuất khẩu. Lượng dầu cọ thô tồn kho niên vụ 2021/2022 của Indonesia hiện được ước tính đạt 7 – 8 triệu tấn.
Xem thêm các báo cáo phân tích thị trường hàng hoá tại đây.
Đối với mặt hàng lúa mì, Công ty Cổ phần Saigon Futures cho biết hoạt động thu hoạch lúa mì tại Nga đang diễn ra và các số liệu sơ bộ cho thấy sản lượng lúa mì thu hoạch được trong tuần kết thúc vào ngày 11/7 đạt 11,6 triệu tấn, tăng mạnh so với mức 2 triệu tấn trong tuần trước đó.
Trong khi đó, tại Argentina, tình trạng khô hạn đang ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ thu hoạch lúa mì tại nước này. Dữ liệu của Sở Giao dịch ngũ cốc Bueno Aires (BAGE) công bố ngày 14/7 cho thấy tiến độ thu hoạch lúa mì của Argentina hiện mới đạt 90,7% trên tổng diện tích canh tác, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Pháp, Bộ Nông nghiệp Pháp đã hạ dự báo sản lượng lúa mì của nước này trong năm nay xuống mức 32,9 triệu tấn, thấp hơn 7,2% so với năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do diện tích canh tác giảm tới 5,6% so với năm ngoái và năng suất suy giảm nhẹ.