Giá kim loại đồng, nhôm và nickel vừa đồng loạt tăng sau khi Mỹ và Anh áp đặt lệnh cấm đối với các kim loại quan trọng có nguồn gốc từ Nga.
Trên Sàn giao dịch kim loại London (LME), giá nhôm giao ngay ngày 15/4 có thời điểm tăng 9,4%, đánh dấu mức tăng giá trong phiên mạnh nhất kể từ ít nhất năm 1987. Chốt phiên, giá kim loại này tăng 2,8% ở mức 2.562 USD/tấn.
Trong khi đó, nickel, kim loại quan trọng dùng trong pin xe điện và sản xuất thép, cũng tăng 1,5% trong phiên giao dịch đầu tuần. Còn kim loại đồng tăng giá 1,6% lên 9.604 USD/tấn, mức cao nhất 22 tháng.
Theo tin từ tờ báo Financial Times, thứ Sáu tuần trước (12/4), Chính phủ Mỹ và Anh thông báo ban hành lệnh cấm thực hiện các giao dịch mới đối với đồng, nhôm và nickel có xuất xứ từ Nga trên LME và Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CME) – hai sàn giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới. Động thái này đánh dấu nỗ lực mới nhất của Mỹ và các đồng minh trong việc hạn chế nguồn thu từ xuất khẩu của Moscow.
Theo lệnh cấm mới, LME và CME sẽ không được phép giao dịch các hợp đồng mới về nhôm, nicken và đồng Nga. Bên cạnh đó, nhôm, nickel và đồng có nguồn gốc từ Nga bị cấm nhập khẩu vào Mỹ. Việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm vận chuyển kim loại và các dịch vụ mua kim loại Nga nằm trong hợp đồng phái sinh cũng bị cấm.
Nga hiện là nhà cung cấp lớn của cả ba kim loại này, chiếm 6% sản lượng nhôm, 4% đồng và 11% nickel có độ tinh khiết cao toàn cầu – theo dữ liệu từ Citigroup. Theo các quan chức Nga, nước này thu về hơn 40 tỷ USD từ xuất khẩu kim loại trong hai năm qua.
LME ngày 13/4 thông báo sẽ không cho phép nhôm, đồng và nickel do Nga sản xuất sau ngày 13/4 lưu trữ tại các nhà kho của mình. Trong khi đó, số kim loại xuất xứ Nga được sản xuất trước ngày đó vẫn sẽ được nhập vào hệ thống kho của LME nhưng được đánh dấu theo phân loại riêng.
Hiện tại, 90% tồn kho nhôm của LME là nhôm có xuất xứ từ Nga. Do đó, nhiều nhà phân tích cho rằng diễn biến tăng giá ngay sau lệnh cấm không phản ánh giá kim loại trong thực tế. Theo nhà phân tích Tom Mulqueen của ngân hàng Citi, lệnh cấm của Mỹ và Anh sẽ đẩy giá ba kim loại giao dịch trên các sàn tăng lên nhưng đồng thời khiến kim loại mới sản xuất của Nga hạ giá sâu hơn.
Tuy nhiên, lệnh cấm mới của Anh và Mỹ không ngăn được các doanh nghiệp Nga đổ xô vận chuyển kim loại sản xuất trước ngày 13/4 tới các nhà kho của LME hoặc thực hiện các hợp đồng chính phủ song phương một cách độc lập trên các sàn giao dịch kim loại.
Về phía Nga, Rusal - công ty sản xuất nhôm lớn nhất nước này - ngày 15/4 cho biết lệnh cấm trên sẽ không ảnh hưởng tới khả năng bán hàng của công ty bởi trên thế giới “nhu cầu với kim loại Nga vẫn rất lớn”.
“Các lệnh trừng phạt đã được công bố không ảnh hưởng gì tới khả năng cung cấp hàng hóa của Rusal, bởi các giải pháp hậu cần toàn cầu, khả năng tiếp cận hệ thống ngân hàng, hoạt động sản xuất chung và hệ thống chất lượng của chúng tôi không bị ảnh hưởng”, Rusal cho biết trong một thông cáo.
Nhà phân tích Nicholas Snowdon của ngân hàng Goldman Sachs dự báo Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là các khách hàng lớn của bất kỳ kim loại Nga nào mà Mỹ, Anh cũng như các nước phương Tây khác từ chối mua do lệnh cấm.