Nguồn cung DAP trong nước hạn chế
Trung thành với chính sách Zero Covid, công tác lưu thông hàng hóa của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng lớn. Việc này đã và đang làm chậm nền kinh tế địa phương ở Trung Quốc và gây thêm áp lực cho ngân sách của nước này.
Chính vì thế, Trung Quốc cũng đã một phần thả lỏng chiến dịch và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng, trong đó có phân bón sang các nước.
5 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đang đứng đầu thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam. Cụ thể, nhập khẩu phân bón các loại từ Trung Quốc vẫn tăng 16% về lượng, tăng 23,7% kim ngạch, so với tháng trước đó, ở mức 182.203 tấn, tương đương 78,7 triệu USD. So với tháng 5/2021, lượng nhập từ Trung Quốc giảm 11% nhưng tăng 34% kim ngạch. Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 45,3% trong tổng lượng và chiếm 38,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Lượng phân bón Trung Quốc xuất khẩu chủ yếu là ure. Điều này cũng lý giải một phần nguyên nhân giá ure của thế giới cũng như trong nước có xu hướng giảm nhẹ trong 1-2 tuần gần đây.
Tuy nhiên, nguồn cung DAP trong nước nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn còn hạn chế, đây là nguyên nhân chính dẫn đến giá DAP khó hạ nhiệt và giữ mức giá cao.
Hiện tại khu vực Tây Nam bộ, DAP Đình Vũ đang dao động 1.100.000 - 1.140.000 đồng/bao, DAP Hồng Hà đang dao động 1.340.000 - 1.390.000 đồng/bao.
Ghi nhận tại thị trường ngày 28/6, giá phân bón khu vực Tây Nguyên: ure Phú Mỹ 820.000 - 840.000 đ/bao, NPK Phú Mỹ 840.000đ - 860.000đ/bao. Phân NPK Bình Điền 1.070.000 - 1.090.000 đ/bao. Phân lân Văn Điển 240.000 - 250.000đ/bao. Tại khu vực miền Bắc, ure Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) 840.000 - 850.000 đ/bao; ure Phú Mỹ 860.000 - 890.000 đ/bao; phân bón NPK Việt Nhật 890.000 - 910.000 đ/bao. DAP Đình Vũ 970.000 - 990.000 đ/bao. Kali Phú Mỹ 860.000 - 890.000 đ/bao.
Khó “hạ nhiệt” giá DAP
Hiện có 2 đơn vị sản phân bón DAP trong nước là Công ty cổ phần DAP - Vinachem và Công ty CP DAP số 2 - Vinachem. Đại diện Công ty cổ phần DAP - Vinachem cho biết: Hiện sản xuất phân bón DAP vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu nhập khẩu như lưu huỳnh và amoniac. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá lưu huỳnh công ty nhập đã tăng hơn 85,3% (từ 286 USD/tấn lên 530 USD/tấn), tương đương với mức tăng 244 USD/tấn. Giá amoniac tăng 36,8% (từ 866 USD/tấn lên 1.185 USD/tấn, tương đương với mức tăng 319 USD/tấn, nếu tính từ cuối năm 2020 thì giá amoniac đã tăng gấp 3 lần.
Bên cạnh đó, giá than cũng tăng 30,7%, tương đương 570.000 đồng/tấn; giá dầu FO sấy nguyên liệu tăng 33,8%; giá cước vận chuyển tăng… Giá quặng apatit tuyển cũng tăng rất mạnh, từ 1.045.000 đồng/tấn (tháng 5/2021) lên 1.450.000 đồng/tấn (tháng 4/2022), tương ứng 38,8%. Giá than còn có thể tiếp tục tăng thêm từ nay đến cuối năm.
Chính vì các chi phí đầu vào có tác động mạnh, đã đẩy giá thành sản phẩm phân bón DAP tăng cao, gây sức ép lên sản xuất của công ty. Với mức giá hiện tại, DAP cũng như các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn trong nước hiện nay đều không muốn tăng giá vì sẽ giảm thị trường, giảm sức mua và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Về lâu dài, nếu các nguồn nguyên liệu này không có dấu hiệu giảm thì khó có thể khẳng định được giá phân bón DAP có thể hạ nhiệt được hay không?.