Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí miền Trung (PCE -HNX) - công ty thuộc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí vừa báo cáo tài chính quý 3/2022 với tình hình kinh doanh ảm đạm so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, trong kỳ, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của PCE đạt 887,6 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021. Giá vốn hàng bán tăng mạnh dẫn đến lợi nhuận gộp giảm chỉ còn 16 tỷ đồng trong khi quý 3/2021 là 24 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh còn 2,3 tỷ đồng, giảm 8 tỷ đồng. Nhờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác nên PCE vẫn ghi nhận lãi trước thuế 4,7 tỷ đồng. Tuy vậy, con số này đã giảm 58% so với cùng kỳ năm 2021.
Giải trình về lợi nhuận sau thuế giảm mạnh, theo ban lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân chủ yếu do sản lượng và đơn giá tiêu thụ giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ Đạm Kebo PM giảm 100%; Sản lượng tiêu thụ NPK PM giảm 31,73%; Sản lượng tiêu thụ Phân bón thương hiệu PM giảm 87,55%. Sản lượng tiêu thụ Phân bón tự doanh khác giảm 69,1% đồng thời đơn giá tiêu thụ của mặt hàng này giảm 45,17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý là sản lượng Ure Phú Mỹ trong kỳ đạt 49,2 tấn tăng 40 tấn so với cùng kỳ năm trước. Đơn giá tiêu thụ cũng tăng tương ứng từ 10,757 triệu đồng/tấn lên 14,008 triệu đồng/tấn tương ứng tăng 30,22%. Doanh thu tiêu thụ mặt hàng này đạt 689,85 tỷ đồng tăng 59% nhưng giá vốn tăng mạnh hơn đạt 680 tỷ đồng tăng 60,39% dẫn đến lợi nhuận mặt hàng Ure Phú Mỹ còn 9,82 tỷ đồng, giảm 0,42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận các mặt hàng của PCE trong quý 3/2022 giảm 56,46% so với quý 3/2021.
Tuy vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm, PCE vẫn ghi nhận lợi nhuận 39,4 tỷ đồng tăng so với con số 34,9 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Tổng tài sản của PCE tính đến cuối quý 3/2022 là 403,8 tỷ đồng tăng gần gấp đôi so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho tăng mạnh từ 133 tỷ đồng đầu năm lên 260 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9. Hàng tồn kho chủ yếu là hàng hóa.
Dòng tiền kinh doanh của PCE âm 11,3 tỷ đồng chủ yếu do tăng hàng tồn kho, tăng giảm các khoản phải thu.
Lượng tiền mặt của PCE giảm mạnh từ 325 tỷ đồng đầu năm hiện chỉ còn 13,2 tỷ đồng. Tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn cũng giảm từ 15,2 tỷ đồng còn 12,5 tỷ đồng.