Chốt phiên giao dịch ngày 6/7 (theo giờ địa phương), giá quặng sắt giao tháng 9/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE, Trung Quốc) giảm 0,75% xuống mức 728 Nhân dân tệ (108,53 USD)/tấn. Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá mặt hàng này giảm còn 704 Nhân dân tệ/tấn, tiệm cận mức thấp nhất trong 6 tháng trở lại đây.
Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho thấy giá quặng sắt loại chứa hàm lượng 62% sắt giao ngay tại khu vực phía Bắc Trung Quốc cũng giảm 1,27% xuống còn 111,54 USD/tấn (giá CFR).
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc tiếp tục suy giảm trở lại khi nước này đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới. Cuối tuần trước, số ca nhiễm mới Covid-19 hàng ngày tại Trung Quốc đã lên tới 380 ca, cao gấp nhiều lần so với hồi cuối tháng 6 - thời điểm nước này bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong toả sau hơn 2 tháng áp dụng. Trung Quốc đã yêu cầu các địa phương, đặc biệt là các khu vực miền Đông, áp dụng trở lại các biện pháp phong toả để kiềm chế dịch bệnh.
Các đợt phong toả kéo dài đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phục hồi kinh tế của Trung Quốc, kéo theo đó là suy giảm triển vọng nhu cầu sử dụng thép và quặng sắt. Trung Quốc hiện là quốc gia có sản lượng thép thô và lượng nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới.
Giá quặng sắt liên tục giảm mạnh trong những tuần gần đây khi nhiều doanh nghiệp sản xuất thép tại Trung Quốc tạm ngưng hoạt động hoặc giảm công suất do lượng thép tồn kho trên thị trường ở mức cao và nhu cầu tiêu thụ thép suy yếu vì các biện pháp phong toả phòng chống dịch Covid-19 tại nước này.
Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Mysteel (Trung Quốc) cho thấy gần 90% hãng sản xuất thép tại Trung Quốc đang rơi vào tình trạng thua lỗ do doanh số bán hàng giảm và giá thép ở mức thấp.
Đồng thời, thị trường xây dựng tại Trung Quốc đang dần bước vào mùa mưa – mùa thấp điểm tiêu thụ thép do đó nhu cầu sử dụng thép sẽ tiếp tục ở mức yếu trong thời gian tới. Thông thường, hoạt động xây dựng chiếm 40% tổng nhu cầu sử dụng thép tại Trung Quốc.
Giới phân tích cũng cho biết tâm lý trên thị trường quặng sắt còn chịu tác động tiêu cực từ lo ngại rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng lớn, khiến triển vọng nhu cầu sử dụng các loại hàng hoá, nguyên liệu thô bao gồm quặng sắt giảm xuống.
Ông Bob Cunneen, Nhà kinh tế học cấp cao tại hãng dịch vụ tài chính MLC Asset Management (Australia), nhận định tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và hoạt động sản xuất thép tại nước này ở mức yếu có thể khiến giá quặng sắt giảm xuống dưới mức 100 USD/tấn.