Báo cáo 6 tháng đầu năm của DKRA Việt Nam cho thấy loại hình shophouse có tốc độ tăng giá mạnh nhất trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Mặc dù mặt bằng giá sơ cấp biệt thự đã tăng mạnh 11-28% so với cùng kỳ năm ngoái, condotel cũng có mức tăng 9-15%, nhưng đà tăng lên đến 30-40% của shophouse mới là điểm nhấn nổi bật nhất.
Tính đến hết quý II, giá chào bán shophouse ở miền Bắc đã ghi nhận mức đỉnh 64,1 tỷ đồng /căn. Ở miền Nam, mức giá cao nhất là 59,8 tỷ đồng, trong khi thị trường miền Trung cũng được chào giá lên đến 33,6 tỷ đồng. Giá chào bán thấp nhất với phân khúc này trên cả nước là khoảng 6,6 tỷ đồng /căn.
Dữ liệu từ Cushman & Wakefield ghi nhận giá chào bán bình quân riêng tại các dự án shophouse ở Quy Nhơn, Vũng Tàu, Phan Thiết, Phú Quốc trong quý II đã đạt 4.771 USD /m2, tăng 5% so với đợt mở bán trước hoặc giai đoạn trước của chính dự án đó.
Đặc biệt, trong dự án ở Quy Nhơn có vài căn được chào bán với giá lên đến 10.000 USD /m2, chiếm khoảng 7% giỏ hàng và đặt ra mức đỉnh mới cho địa bàn.
Các chuyên gia lý giải sự tăng giá của các tài sản nghỉ dưỡng trong thời gian qua đến từ những thông tin tích cực về sự hồi phục của ngành du lịch nội địa lẫn quốc tế. Bên cạnh đó là những cập nhật về dự án cơ sở hạ tầng, tiện ích xung quanh các dự án này. Đồng thời, bất động sản nghỉ dưỡng cũng chịu ảnh hưởng chung từ sự leo thang trong hàng loạt chi phí đầu vào như giá đất, nguyên vật liệu xây dựng, nhân công...
Tuy nhiên, ghi nhận của các đơn vị cho thấy đây cũng là giai đoạn các chủ đầu tư tích cực áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất, giãn lịch thanh toán và ân hạn nợ gốc, cũng như các chương trình cam kết lợi nhuận, tiền thuê trong thời gian đầu sau khi bàn giao.
Do đó, dù mức giá cao, tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới vẫn đạt 75%, đặc biệt khi tổng nguồn cung mới cả nước đã tăng gấp 2,7 lần cùng kỳ, theo số liệu từ DKRA. Thanh Hóa, Kiên Giang và Bình Thuận dẫn đầu rổ hàng, trong khi miền Trung là khu vực có lượng tiêu thụ cao nhất.
Batdongsan.com.vn cũng cho biết số lượng dự án bất động sản nghỉ dưỡng trên nền tảng đã tăng so với nửa đầu năm ngoái. Các chuyên gia tại đây đánh giá thị trường du lịch vẫn có tiềm năng dài hạn, đặc biệt quỹ đất ngoài ven và các tỉnh thành du lịch còn dồi dào so với khu vực trung tâm vốn đã bão hòa. Giới đầu tư vẫn đang mong chờ khung pháp lý được hoàn chỉnh qua các dự thảo luật trong thời gian tới.
Dù vậy, đơn vị này cho rằng tín dụng vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ trong thời gian tới, bởi đây vẫn là loại hình mang nặng tính đầu cơ. Đây sẽ là thách thức với nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp.
Còn tại DKRA, các chuyên gia nhìn nhận sức cầu chung toàn thị trường có triển vọng tăng nhẹ vào những tháng còn lại, nhưng tập trung chủ yếu ở những dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn, uy tín và nằm trong những khu nghỉ dưỡng phức hợp sở hữu vị trí đắc địa với đầy đủ tiện nghi. Trong khi đó, nguồn cung vẫn duy trì ở mức ổn định, tương đương nửa cuối năm.