Những ngày đầu năm 2023, vườn sầu riêng trồng theo chuẩn VietGap của ông Trương Văn Đảo ở xã Phước Tín, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước đang trong quá trình ra hoa, đậu trái. “Đây sẽ là lứa sầu riêng để xuất khẩu chính ngạch đầu tiên của gia đình sang thị trường Trung Quốc”, ông Đảo vui mừng cho biết.
Ông Đảo đang là Giám đốc Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Nghé - đơn vị được cấp mã vùng trồng vào cuối năm 2022 để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Trồng sầu riêng sạch để xuất ngoại
Thương hiệu sầu riêng Ba Đảo từ lâu đã là cái tên quen thuộc đối với đa số nông dân trồng cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước nói chung và cả nước nói riêng. Với gần 30 năm trồng sầu riêng và gắn bó với mảnh đất Phước Long, ông Đảo luôn cố gắng tạo ra trái sầu riêng có mẫu mã đẹp, chất lượng cao và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Sầu riêng trồng đúng quy trình sẽ mang lại hiệu quả cao. Tôi đã áp dụng quy trình VietGap để mang lại uy tín, chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng an tâm sử dụng. Việc hợp tác xã được cấp mã vùng trồng là chứng nhận uy tín cho thương hiệu sầu riêng Ba Đảo nói riêng và sầu riêng Việt Nam nói chung khi xuất khẩu chính ngạch”, ông Đảo nói.
Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Nghé thành lập năm 2018 với 11 thành viên, diện tích trồng ban đầu khoảng 100 ha. Sau 5 năm, hợp tác xã này đã có hơn 500 ha diện tích được cấp mã vùng trồng.
“Sau nhiều năm áp dụng khoa học kỹ thuật, trồng chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap, đến nay hợp tác xã đã có mã số vùng trồng. Đây là cơ hội để các thành viên cố gắng nhằm giữ thương hiệu cũng như sản xuất sầu riêng chuẩn sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cách trồng truyền thống”, ông Đảo cho biết thêm.
Theo ghi nhận, dù đã được cấp mã vùng trồng, trong năm 2022, sầu riêng Bình Phước chưa xuất chính ngạch. Dù vậy, chỉ tính riêng Hợp tác xã Bàu Nghé sản lượng tiêu thụ vẫn đạt gần 1.000 tấn.
“Toàn bộ sầu riêng xuất bán trong năm 2022 đều đạt tiêu chuẩn VietGap. Trong năm 2023, ước tính sản lượng sẽ đạt 1.800-2.000 tấn. Thời gian tới, hợp tác xã sẽ kết nạp thêm 31 thành viên và thực hiện quy trình đăng ký mã vùng trồng các diện tích tiếp theo”, Giám đốc Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Nghé nói thêm.
Còn tại xã Phước Tân, huyện Phú Riềng, Hợp tác xã cây ăn trái Nông Thành Phát cũng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cấp mã số vùng trồng và được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc Hợp tác xã cây ăn trái Nông Thành Phát, chia sẻ: “Sau 4 năm nỗ lực, đơn vị đã được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch, sự kiện mà tất cả hội viên đều mong mỏi lâu”.
Thành lập năm 2019 với 22 thành viên, đến nay Hợp tác xã cây ăn trái Nông Thành Phát có 35 thành viên với hơn 70 ha sầu riêng, trong đó hơn một nửa diện tích đang kinh doanh, còn lại trong giai đoạn kiến thiết, có năng suất trung bình 20 tấn/ha.
“Giờ đây, khi hợp tác xã được cấp mã vùng trồng, tôi tự tin tăng diện tích trồng mới mà không còn lo về đầu ra cho sản phẩm. Đây còn là cơ hội cho nhiều thành viên trong hợp tác xã tăng thêm thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình bền vững hơn”, ông Trần A Sám, thành viên Hợp tác xã cây ăn trái Nông Thành Phát chia sẻ.
Ghi nhận của Zing những ngày qua cho thấy giá thu mua sầu riêng tại một số vựa đã lên đến 130.000-190.000 đồng/kg tùy giống và chất lượng. Mức giá này được cho là cao kỷ lục từ trước tới nay. Cá biệt một số nơi còn đẩy giá lên 200.000-220.000 đồng/kg. Lý do là lượng sầu riêng đang rất ít, nhất là hàng đạt chuẩn để xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi nhu cầu của thị trường này luôn ở mức cao.
Giữ thương hiệu, hướng đến thị trường quốc tế
Hiện ngoài 5 đơn vị được cấp mã vùng trồng, địa bàn tỉnh Bình Phước còn nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đang trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý để được cấp mã số vùng trồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, hiện trên địa bàn có hơn 3.000 ha sầu riêng, nhằm tăng lợi thế cạnh tranh khi xuất ngoại, sầu riêng địa phương không chỉ tuân thủ các quy định về quy chuẩn phía Trung Quốc đặt ra mà sẽ hướng tới những thị trường khác như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...
Để đạt mục tiêu trên, nhiều nhà vườn đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm trang thiết bị hiện đại để chăm sóc sầu riêng chuẩn VietGap và chuẩn khác.
Nhằm giữ vững thương hiệu, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ cấp, quản lý mã số vùng trồng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp mã số vùng trồng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp mã số vùng trồng.
Cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý mã số vùng trồng và sử dụng mã số vùng trồng của tổ chức, cá nhân đúng quy định, thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong quản lý mã số vùng trồng.
UBND tỉnh Bình Phước giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì cùng với các đơn vị thực hiện công tác thiết lập hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng và thực hiện công tác quản lý, sử dụng mã số vùng trồng ở địa phương đảm bảo đúng quy định; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp cho các tổ chức, cá nhân tại địa phương đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Hiện, Thái Lan đang đứng đầu danh sách xuất khẩu sầu riêng cho thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 40% thị phần).
Từ tháng 9/2022, 100 tấn sầu riêng Việt Nam chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây được xem là cột mốc lịch sử cho ngành trái cây sầu riêng của Việt Nam với thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.