Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, giá thanh long tại nhà các nhà vườn ở tỉnh Bình Thuận tăng mạnh. Theo các chủ vườn và thương lái, giá loại trái cây chủ lực của tỉnh Bình Thuận tăng cao một phần vì Trung Quốc mở cửa biên giới, nới lỏng các biện pháp chống dịch Covid-19.
Cung không đủ cầu
Vừa xuất hơn 50 tấn thanh long đi Trung Quốc, ông Huỳnh Cảnh, chủ vựa thanh long Sơn Trà, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, cho biết từ sau dịch chưa bao giờ giá thanh long lên cao như hiện nay.
“Đầu tháng 1/2023, phía Trung Quốc liên tục đặt đơn hàng thanh long. Hiện, Trung Quốc đã mở cửa trở lại cho hàng hóa xuất khẩu và người, đồng thời mở cửa du lịch nên giá thanh long tăng đột biến”, ông Cảnh nói và cho biết giá thu mua thanh long ruột trắng tại vườn đang ở mức 20.000-21.000 đồng/kg, còn ruột đỏ 35.000 đồng/kg.
Cũng theo ông Cảnh, ngoài yếu tố Trung Quốc mở cửa, thì nhu cầu dịp Tết cũng tăng cao khiến giá thanh long tăng mạnh.
Còn ông Lê Mạnh Hưng, chủ vườn thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, cho biết gia đình có 3.500 trụ thanh long, nhưng thời gian qua giá xuống thấp, chi phí tăng cao nên quyết định chặt bỏ 500 trụ. Hơn 3.000 trụ còn lại ông Hưng chia nhỏ sản xuất, nhưng cũng không dám đầu tư mạnh vì lo ngại thị trường tiêu thụ kém.
“Cách đây 2, 3 tháng, giá thanh long mua tại vườn chỉ ở mức 3.000-4.000/kg nên ai cũng sản xuất cầm chừng, không dám mạnh tay đầu tư như trước”, ông Hưng nói.
Theo một số nhà vườn, những năm gần đây thanh long rớt giá thê thảm khiến họ không dám đầu tư, thậm chí một số đã chặt bỏ gần hết chuyển đổi cây trồng.
“5-7 năm trước thanh long là cây chủ lực của nông dân chúng tôi, nhưng khi dịch bùng phát phía Trung Quốc ngưng thu mua khiến giá cả xuống thấp. Một số giảm diện tích để sản xuất cầm chừng, nên khi giá thanh long lên cao như hiện nay không có hàng để bán”, ông Hưng cho biết thêm.
Dự đoán thị trường, chủ động sản xuất
Theo các nhà vườn, khi giá thanh long xuống còn 2.000/kg, họ phải sản xuất cầm chừng để giữ đất, giữ công việc nhà nông.
“Hiện, sản lượng trụ giảm xuống còn 27.000 ha nhưng sản lượng trái giảm hơn nhiều. Hồi trước thanh long được đầu tư sản xuất 3-4 vụ/năm thì nay chỉ còn 1 vụ/năm, nên xảy ra tình trạng giá tăng cao, nhưng không có hàng bán”, ông Huỳnh Cảnh phân tích.
Theo một số thương lái, mấy ngày nay họ chạy đôn đáo để tìm nguồn hàng cho kịp đơn xuất khẩu đã ký kết.
“Giá thanh long đang lên cao nhưng chỉ một số vựa đủ hàng để xuất khẩu, chúng tôi phải đi gom những vườn nhỏ. Nông dân giảm diện tích và đầu tư ít lại nên khó khăn. Hy vọng lứa thanh long sắp tới sẽ cải thiện về nguồn cung, chứ hiện rất ít hàng để mua”, bà Nguyễn Bình, thương lái thu mua thanh long cho hay.
Cũng theo bà Bình, nguồn hàng bị đứt nên chỉ mua được 30-35 tấn một/ngày. “Số lượng này chỉ bằng 1/10 lượng hàng mua được vụ Tết những năm trước. Giá thanh long đang lên, người nông dân cũng như thương lái chúng tôi vui lây”, bà Bình nói.
Theo Sở Nông Nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, thanh long là cây trồng chủ lực của địa phương, nhưng do giá cả bấp bênh trong năm 2022 diện tích thanh long giảm mạnh từ hơn 33.000 ha xuống còn hơn 27.000 ha.
“Dù giá thanh long khởi sắc, nhiều nhà vườn vẫn chưa dám sản xuất trở lại vì sợ lập lại tình trạng mất giá trong mấy năm vừa qua. Sở cũng chủ động khuyến cáo đến Hiệp hội thanh long và các chủ vườn về việc dự đoán thị trường để có phương án sản xuất hợp lý", đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, trong trường hợp trái thanh long giá cao như hiện nay, người nông dân và chủ vườn cũng cần lưu ý đến diễn biến dịch bệnh từ phía Trung Quốc.
"Kinh nghiệm từ mấy năm trước mỗi khi dịch bùng phát phía Trung Quốc sẽ hạn chế việc nhập hàng hóa trong đó có thanh long Bình Thuận. Việc dự đoán thị trường sẽ giúp tiểu thương và người nông dân tránh được việc chạy theo thị trường, đầu tư sản xuất ồ ạt như trước”, đại diện Sở cảnh báo.