Giá vàng nhẫn trong nước đã đắt ngang vàng miếng SJC. Ảnh: Chí Hùng.
Trong phiên giao dịch đang diễn ra, giá vàng thế giới đang giữ xu hướng tăng liên tục, hiện đã đạt mức cao nhất 1 tháng qua ở gần 2.390 USD/ounce. Tính riêng tuần này, giá vàng thế giới giao ngay đã tăng hơn 2%.
Trong khi đó, giá vàng tương lai cũng tăng 1,2% lên mức 2.397,7 USD/ounce.
Giá vàng thế giới tăng vọt
Đà tăng của giá vàng thế giới diễn ra sau khi các báo cáo cho thấy thị trường lao động Mỹ suy yếu, từ đó dấy lên kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới.
“Kim loại quý đang giao dịch ở mức cao nhất trong 1 tháng sau khi số lượng việc làm tạo ra suy giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng trở lại. Những yếu tố này củng cố việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9 của Fed”, Tai Wong, nhà giao dịch kim loại độc lập tại New York, cho biết.
Vị chuyên gia cũng chia sẻ giới đầu tư đang hướng tới mức cao nhất mọi thời đại 2.450 USD/ounce nếu Fed phát tín hiệu cắt lãi suất vào tháng 9.
Giá vàng thế giới hiện tạm dừng ở mốc 2.388 USD/ounce. Ảnh: Kitco.
Báo cáo công bố hôm 5/7 cho thấy thị trường Mỹ đã có thêm 206.000 việc làm mới tháng 6, cao hơn so với ước tính 190.000 việc làm của các nhà kinh tế trong uộc khảo sát trước đó. Tuy nhiên, số liệu tháng 4 và 5 lại bị điều chỉnh giảm hàng chục nghìn việc làm.
Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên mức 4,1%, nhỉnh hơn mức dự báo là 4%.
Có khoảng 72% nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất tháng 9. Bên cạnh đó, xác suất Fed có thêm một lần điều chỉnh giảm lãi suất vào tháng 12 cũng có dấu hiệu tăng lên.
Sau khi các báo cáo việc làm được công bố, giá USD đã rơi xuống vùng thấp nhất 3 tuần so với rổ tiền tệ lớn. Sự suy yếu của đồng bạc xanh giúp vàng bớt đắt đỏ hơn với người mua ngoài Mỹ. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng giảm.
Các kim loại quý khác cũng tăng giá, điển hình như bạc tăng 2,7% lên 31,2 USD/ounce, hiệu suất tuần tốt nhất kể từ giữa tháng 5. Bạch kim tăng 2,6% lên 1.028 USD, palladium tăng 0,2% lên 1.019 USD.
Vàng nhẫn trong nước đắt ngang vàng miếng
Tại thị trường trong nước, nhờ hưởng lợi từ đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng nhẫn trong nước đã ghi nhận xu hướng tăng vọt phiên cuối tuần hôm nay. Hiện đã tiệm cận mức giá giao dịch của vàng miếng SJC.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), giá giao dịch vàng nhẫn 9999 loại 1-5 chỉ hiện ở mức 74,6 - 76,2 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 200.000 đồng so với phiên liền trước. Với mức giá này, hiện vàng nhẫn SJC chỉ còn thấp hơn khoảng 400.000 đồng (giá mua) và 500.000 đồng (giá bán) so với mặt hàng vàng miếng SJC.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Hiện giá mua - bán vàng nhẫn 24K tại doanh nghiệp này cố định ở mức 74,6 - 76,1 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng so với hôm qua và chỉ còn thấp hơn giá vàng miếng khoảng nửa triệu đồng.
Tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, trong khi giá vàng miếng SJC hiện được giao dịch ở mức 75,5 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua - bán), giá vàng Rồng Thăng Long tại đây đã tăng lên mức 75,38 - 76,68 triệu/lượng, chỉ còn thấp hơn khoảng 300.000 đồng.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện niêm yết giá vàng miếng SJC ở 74,98 - 76,98 triệu/lượng và giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng ở 75,65 - 76,95 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá mua vào vàng nhẫn tại DOJI hiện còn cao hơn cả vàng miếng, trong khi giá bán vàng nhẫn chỉ thấp hơn vàng miếng 30.000 đồng/lượng.
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì biện pháp can thiệp thị trường vàng miếng SJC thông qua việc bán vàng miếng bình ổn tới 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) và Công ty SJC, giá vàng miếng trong nước đã bất động gần một tháng nay. Ngoài việc đăng ký mua vàng qua kênh online của 4 ngân hàng kể trên và Công ty SJC, người dân cũng không thể mua vàng miếng từ các doanh nghiệp bên ngoài thị trường với lý do "doanh nghiệp hết vàng miếng".
Suốt một tháng qua, nhiều nhà vàng cho biết chỉ giao dịch mua vào với vàng miếng SJC mà không thực hiện bán ra do hết vàng.